Với thế hệ cha mẹ 8X bây giờ, chuyện con trai - con gái đã không còn mấy ai “trăn trở”. Những cặp bố mẹ trẻ còn nhìn vào tỷ lệ sinh chênh lệch nhiều nam, ít nữ để mà mong có con gái.
Minh họa: Văn Nguyễn |
Thế nhưng, có những tác động từ thế hệ trước, từ những vùng quê - nơi sinh ra những người nay là dân thành thị, thì vẫn âm ỉ gây ra hệ lụy khiến cho người ta vẫn còn mang chuyện con gái - con trai ra mà “cân đong đo đếm”.
Lan, là giám đốc marketing của một công ty xuất nhập khẩu lớn, có hai con gái. Trong gia đình, Lan lo kinh tế chính, chồng cô là bộ đội tuy không phải đi xa, cùng ở ngay thành phố nhưng ít có thời gian dành cho gia đình. Với vị trí và khả năng của mình, Lan cùng chồng nhanh chóng ổn định cuộc sống ở đất thủ đô, không cần trợ giúp gì từ cả hai gia đình nội ngoại ở quê. Trong suốt thời gian vất vả mưu sinh thì không thấy có thông điệp gì từ quê gửi lên, đến khi cuộc sống sung túc, hai bé gái xinh xắn của họ - cách nhau hai năm - đều bước vào tuổi tiểu học, tự dưng bố mẹ chồng Lan gọi hai vợ chồng cô về nói chuyện “quan trọng”. Chuyện là bây giờ “vợ chồng con chẳng thiếu thứ gì, chỉ thiếu thằng cu, nên cần sinh thêm cho trọn vẹn”. Lan lặng người khi nghe bố mẹ chồng phân tích tình hình, để kết luận rằng “nhà không có của thì thôi, có của ăn của để thì phải có con trai mới được. Ở quê làng xóm người ta vẫn khen bố mẹ có con dâu đảm, giỏi giang, lại khen hai vợ chồng con thành đạt, nhưng nói gì thì nói, mỗi dịp giỗ quảy tụ tập ăn uống, người ta vẫn chắt lưỡi tiếc, giá mà vợ chồng nó thêm đứa con trai nữa...”.
Lan không giữ được bình tĩnh, cô cảm thấy lâu nay mình bị coi thường, nhà chồng chẳng ghi nhận gì những nỗ lực, hy sinh của cô để có được gia đình đầm ấm, hạnh phúc và cả sự giàu có vật chất để có thể giúp đỡ bố mẹ cả hai bên như bây giờ. Hóa ra, lâu nay bố mẹ chồng vẫn nghĩ chuyện cháu trai cháu gái mà không nói, giờ mới “lộ” ra. Hóa ra, việc ông bà cô chú bên nội “cười nói, nâng niu” bé Siu - bé gái thứ hai của cô, là “giả tạo”. Họ vẫn nghĩ Lan còn khiếm khuyết vì chưa sinh con trai... Lan lạnh lùng tuyên bố: “Con không sinh nữa, nếu bố mẹ muốn có cháu trai thì cho chồng con đi lấy vợ khác, hai đứa con gái của con sẽ mang họ mẹ”. Thấy Lan đứng phắt lên, chồng cô cũng lúng túng. Anh cũng như cô, đây là lần đầu tiên nghe bố mẹ giở chuyện này ra. Anh chưa kịp phản ứng thì Lan đã sôi lên như vậy. Là người đứng giữa, vừa giận bố mẹ, vừa lo lắng vợ buồn, anh chẳng biết nói gì. Chính anh cũng không hề suy nghĩ nặng nhẹ, lâu nay anh yêu hai con gái của mình vô cùng và cảm thấy thế là đủ, dù nhiều lúc trong những cuộc vui, anh em cùng đơn vị vẫn trêu đùa anh về hai công chúa, anh cũng chẳng chạnh lòng. Đó là chưa kể, hơn ai hết, anh biết vợ mình vất vả, từ chuyện mang bầu, sinh con đến công việc ở công ty và lo cho gia đình... Nên giờ nghe bố anh nói thế, Lan tự ái là phải.
Sau lần về quê đó, Lan và chồng nói chuyện, cô khẳng định không sinh thêm và anh cũng đồng ý như thế nhưng “lời khuyên” thật lòng của bố chồng vẫn làm cô “vùng vằng” thật lâu. Dù đã thưa lại chuyện với bố mẹ nhưng mỗi lần về quê, Lan không còn vui vẻ vô tư như trước, nhất là khi đưa con về chơi...
Cũng giống như Lan, Hoài có hai con gái, cô luôn hài lòng về gia đình nhỏ hạnh phúc tràn đầy tiếng cười của mình. Chồng Hoài cũng yêu con gái và chăm sóc con còn hơn cả cô nhưng cứ về quê là bị “soi”, bị so với anh Hai, anh Ba, so với làng trên, xóm dưới. Nhất là cái lệ, nhà nào có con trai mới được ngồi chiếu trên, mới được đội lễ vào chùa, chồng Hoài chỉ có con gái thì ngồi dưới, ở ngoài. Ông bà nội ngoại không giục, chẳng đòi hỏi, nhưng cái lệ thì vẫn thực hiện. Ở quê là vậy, nên Hoài và chồng chẳng còn thích về quê. Đó là chưa kể, vợ chồng Hoài nhận thấy họ hàng ở quê thường nhìn hai con gái của mình như “khách lạ”, những việc quan trọng, những hỏi han quan tâm lại cứ nhắm vào các cháu trai của cậu út cũng từ thành phố về. Chuyện học giỏi, thành tích của các cháu gái, dù có khoe ra nhiều gấp mấy lần các cháu trai thì vẫn bị lơ, không được thưởng, cũng chẳng được mấy ai khen. Cứ vậy, tình cảm với quê nhạt dần, Hoài và chồng về chỉ như nghĩa vụ.
Dù sao, với Lan và Hoài cũng là chuyện phân biệt con trai con gái từ phía họ hàng, từ quê xa xôi, mỗi lần về mới phải đối mặt. Còn Phương, câu chuyện hai con gái của cô kéo theo cả một sự thay đổi, mất mát trong cuộc sống vợ chồng. Phương sinh con gái đầu lòng trong niềm vui khôn xiết của chồng, bởi anh bị một căn bệnh nam khoa khiến việc có con không dễ dàng. “Ruộng sâu trâu nái”, anh hân hoan, trở thành ông bố nghiện con khi con bé càng lớn càng xinh, thông minh lanh lợi, lại có chiều cao vượt trội hứa hẹn sẽ là hoa khôi, hoa hậu tương lai. Làm tiếp viên ngành hàng không, công việc di chuyển nhiều vất vả, lại phải luôn giữ gìn hình ảnh đẹp, vóc dáng chuẩn nên Phương không muốn sinh con thứ hai. Rồi chồng động viên, năn nỉ, cô lại “chịu” có bầu. Thế nhưng, Phương không ngờ rằng, chồng mình - khi đó đang là nghiên cứu sinh chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ ở Hà Nội, lại trả lời qua điện thoại khi cô vừa sinh em bé thứ hai rằng: “Là con gái hả? Con gái thì thôi, hết tuần này anh mới về”, và thêm câu: “Con trai thì về ngay”. Chỉ vì một câu nói ấy, dù sau đó anh nhiều lần xin lỗi, Phương vẫn không tha thứ. Dù anh vẫn yêu cô con gái nhỏ chẳng kém gì con gái lớn, nhưng anh mãi không lấy lại được tình cảm của vợ. Phương trở nên lãnh cảm. Cô vẫn yêu chồng nhưng không thể xóa bỏ câu nói của chồng ngày ấy. Phương kể, vợ chồng sống chung nhà, anh vẫn lo cho con, nhưng cú sốc khiến cô không còn muốn chồng đụng vào mình nữa. Ly thân nhiều năm, Phương đã đề nghị ly hôn vài lần, nhưng anh nói vẫn luôn yêu cô, yêu mẹ con cô và xin lỗi về chuyện cũ. Nhiều năm trôi qua, gần đây, khi mái đầu cả hai đã có sợi bạc, Phương mới mềm lòng hơn, cô chịu cùng chồng về quê, thực hiện các nghĩa vụ của con dâu. Gia đình mới bắt đầu có những niềm vui ấm áp khi cùng nhau đi du lịch, cùng nấu nướng cuối tuần... và vợ chồng Phương mới có những tấm ảnh bên nhau thân mật.
Thế mới biết, không kể đến những câu chuyện bi kịch đau lòng trong xã hội đã được đưa lên báo, lên phim chỉ vì chuyện sinh một bề con gái bởi đa phần đó là chuyện ở những vùng quê nghèo xa xôi, dân trí còn thấp, tư tưởng phong kiến còn nặng nề, chỉ nói đến những người thành phố, những người tiến bộ, chuyện sinh con gái cũng vẫn còn hệ lụy. Bởi lẽ tâm lý chung ai cũng mong “có nếp có tẻ”. Nhưng hãy nhìn những ông bố, bà mẹ vô sinh; những đứa trẻ không may mắn bị tật nguyền, ốm yếu... để thấy có một đứa con “bình thường” là quý báu chừng nào. Đã đến thời không “tính đếm” con mình là trai hay gái, chỉ cần con khỏe, con ngoan. Và một điều quan trọng hơn nữa là xây hạnh phúc của chính mình, với những gì mình có được.
Bình luận (0)