Con giết cha: Người mẹ - người vợ bơ vơ giữa định mệnh

18/05/2016 10:05 GMT+7

Người đàn bà vận bộ đồ bà ba cũ kĩ, nước da đen đủi, già nua, ngơ ngác nhìn xung quanh khán phòng. Ở đây có hai băng ghế riêng biệt dành cho người nhà bị hại và bị cáo.

Bà không biết mình nên ngồi về phía bên nào chiến tuyến khi hôm nay con trai bà phải hầu toà vì tội giết cha nó.
- Bà có yêu cầu thay đổi ai trong thành phần tham gia xét xử không? Vị Chủ toạ chăm chú nhìn bà.
-Tôi muốn xin giảm án cho bị cáo để bị cáo mau về với gia đình. Bà khẩn khoản.
Vị Chủ tọa kiên nhẫn.
- Tôi hỏi bà có yêu cầu thay đổi bất cứ ai trong thành phần tham gia xét xử không?
- Dạ, tôi muốn xin giảm án cho bị cáo.
Bà lặp lại như một cái máy.
Vị Chủ toạ dường như đã mất kiên nhẫn, lớn tiếng hơn.
- Bà có hiểu tôi nói gì không? Bà có muốn thay đổi ai trong thành phần tham gia xét xử không?
Vị luật sư chạy lên nhắc khéo. Bà ngơ ngác rồi buông thõng câu "Tôi quê mùa, dốt nát nên không biết".
Đứa con trai len lén nhìn về phía mẹ. Nó không biết phải đối mặt với mẹ mình như thế nào khi đã cướp đi mạng sống chồng của bà và cũng chính là cha nó. Lỗi chồng lỗi. Tội thêm tội, trời đất bất dung.
Tất cả họ là những con người điển hình cho tận cùng của cái nghèo.
Vợ chồng bà kiếm sống bằng việc nhặt ve chai. Cứ nhìn cái nước da của bà đã thấy bao nhiêu năm tháng ròng rã dãi dầu mưa nắng. Được hai mụn con trai, chẳng có tiền mà cho chúng ăn học đến nơi đến chốn. Cậu trai đầu mới chừng tầm 19 - 20 kiếm đâu cô vợ về chung sống, không hôn thú. Đẻ được mụn con trai. Đầy tháng, con dâu bà bỏ đi đâu biền biệt không tung tích.
Nhà còn mấy người mà chồng bà dường như quá chán ngán sự đời mà hết say lại say. Một buổi trời sắp tối, ông lại đá chân chiêu trở về nhà và cãi cọ với bà chuyện con cái muôn thuở, sẵn tiện vả vào mặt đứa cháu khiến nó khóc thét lên.
Đứa con trai vừa uống rượu về, về nhà thấy ba mẹ gây nhau lại nghe ba chửi mình, không nói gì. Lẳng lặng vào phòng, cậu xài ma túy đá phê sự đời. Người cha theo vào, chửi, đá vào tay cậu con trai.
Máu nóng nổi lên, cậu con trai cự cãi lại, sẵn cây kéo gần đấy (đồ nghề cho việc chơi ma túy) liên tục đâm liền mấy nhát vào bụng, vai, đầu người cha.
Bà hoảng sợ, tri hô hàng xóm. Lúc này, cậu con bỏ chạy. Sau, bị bắt liền ngay đó.
Hai ngày sau thì ba cậu cũng tử vong vì vết thương quá nặng.
- Bị cáo có con không? Chủ tọa nhìn đứa con trai đang cúi gằm mặt giữa phiên toà.
- Dạ, có.
- Bị cáo có thương con của bị cáo không?
- Dạ, thương.
- Vậy bị cáo có hiểu ba của bị cáo cũng thương bị cáo như vậy không? Tại sao chỉ vì cha đá vào tay mình mà bị cáo đâm cha bị cáo nhiều nhát vậy?
Cậu ngắc ngứ "Do nóng".
Kiểm sát viên căn cứ theo điểm đ, điểm n khoản 1 Điều 93 tội "Giết người" mà đề nghị mức án chung thân đối với bị cáo do hành vi côn đồ và giết cha mình là tình tiết tăng nặng.
Luật sư bào chữa cho bị cáo có lẽ khó xử hơn ai hết. Vụ án này, con giết cha là phạm tội đại nghịch bất đạo. Nhưng đã là luật sư thì phải tìm những căn cứ để giảm nhẹ tội cho thân chủ của mình.
Ông bắt đầu: "Thưa quý toà, con giết cha là một tội không thể dung thứ nhưng hãy xem xét đến việc bị cáo đã sử dụng ma túy 3 năm nay. Bị cáo đã gây án trong lúc bị ảo giác sau khi chơi ma túy. Vì thế, lúc ba bị cáo nằm viện, bị cáo đã đến thăm nhưng bệnh viện không cho vào. Về nhà, bị cáo tự đập gãy tay mình. Một con người tuy sai lầm nhưng cũng đã rất hối lỗi với hành động của mình, rất thương ba mình mới tự đập gãy tay thì rõ ràng lúc gây án do có ảnh hưởng của ma túy".
Kiểm sát viên lập tức bác bỏ. Sử dụng rượu bia hay ma túy không phải là tình tiết để giảm nhẹ tội.
Vị Chủ tọa dõng dạc tuyên bố: hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, có tính côn đồ, giết cha mình man rợ nên quyết định "Tử hình".
Hai tiếng "Tử hình" vang lên, mọi người đều sững sờ. Phán quyết trên đẩy bị cáo đến việc cách ly khỏi xã hội vĩnh viễn.
Tôi vội chạy đến bên bà: người mẹ lúc này. Trên khuôn mặt người đàn bà vẫn còn ngơ ngác, không hiểu điều gì đang xảy ra. Đến lúc này bà vẫn còn hỏi tôi "Giờ làm sao để cháu mau về mà lo cho con của nó hả cô? Tôi già rồi, đau ốm, mình tôi sao lo được?". Tôi bảo bà viết đơn kháng cáo. Bà hỏi lại "Nhưng tôi đâu có biết chữ".
Cuối cùng, cũng chỉ có bà là người đau đớn nhất. Chồng mất, con có nguy cơ sẽ phải trả giá tội lỗi của mình bằng mạng sống của nó.
Thảm kịch sẽ mãi là thảm kịch khi chúng ta không thử tìm một điểm sáng cho nguồn sống được sinh sôi. Đứa bé con bị cáo cần được viết tiếp một cuộc đời nhiều ước vọng hơn thế giới mà ba mẹ, ông bà nó đã sống. Nhưng, rồi nó sẽ thế nào khi chỉ có bà nó cằn cỗi nuôi nó...
Ngày 17.5.2016, TAND TP Hồ Chí Minh mở phiên toà sơ thẩm, xét xử Huỳnh Thanh Nam về tội "Giết người". Theo cáo trạng, khoảng 19 giờ ngày 9.11.2015, sau khi đi uống rượu, Huỳnh Thanh Nam trở về nhà thì thấy cha là ông Huỳnh Văn Thành đã say rượu đang gây gổ với mẹ. Nam bực tức, xông vào đánh cha mình. Sẵn tiện có cây kéo gần đó, Nam đâm liên tục vào bụng, vào vai, vào đầu ông Thành. Ngày 11.11.2015, ông Thành tử vong tại bệnh viện vì vết thương quá nặng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.