Con không đạt học sinh giỏi trong chương trình mới, phụ huynh đừng 'sốc'!

16/01/2023 16:03 GMT+7

Vừa rồi đi họp phụ huynh cho con học lớp 10, tôi nhận thấy không ít phụ huynh 'sốc' khi con mình không đạt học sinh giỏi, đơn giản vì con em họ đã 9 năm liền đạt danh hiệu này.

Trong thực tế của những năm trước đây, nhiều phụ huynh cũng "sốc" vì con không đạt học sinh giỏi khi sang cấp học mới. Năm học 2022-2023 này, số phụ huynh “sốc” càng tăng khi lượng học sinh giỏi giảm… sâu.

Có đôi điều cần chia sẻ với phụ huynh trước tình hình này.

Thứ nhất khi chuyển cấp, việc học và kiểm tra sẽ khác hơn, khó hơn, số học sinh trung bình nhiều hơn. Đối với học sinh từ lớp 5 lên lớp 6, nhiều phụ huynh “sốc nặng” khi con em mình không những không đạt học sinh giỏi mà khá cũng… lọt khỏi tầm tay. Phụ huynh "sốc" phần nào cũng dễ hiểu vì suốt 5 năm học, các cháu thường “mưa điểm 10”, điểm 9.

Học sinh theo chương trình mới, cách đánh giá mới, việc đạt danh hiệu học sinh giỏi sẽ khó hơn trước đây (ảnh minh họa)

đào ngọc thạch

Đánh giá kết quả học tập theo chương trình mới hiện nay có nhiều thay đổi. Theo chương trình cũ, để đạt được học sinh giỏi thì điểm trung bình các môn từ 8.0 trở lên, không có môn nào dưới 6.5 và một trong 3 môn ngữ văn, toán hoặc ngoại ngữ 8.0 trở lên. Còn theo chương trình mới (áp dụng cho lớp 6, 7 và 10), để đạt học sinh giỏi thì học sinh phải đảm bảo yêu cầu 6 môn điểm từ 8.0. Việc áp dụng theo chương trình mới rất hợp lý vì hạn chế được “mưa” học sinh giỏi như trước đây.

Là người thầy, khi dạy học sinh hai khối đầu cấp này (kể cả trước đây dạy theo chương trình cũ), tôi cũng thường chia sẻ cho học sinh về học và kiểm tra khác nhau giữa 2 chương trình, nhất là học sinh lên lớp 6, để các em phần nào đỡ "sốc". Tôi cũng thường tâm sự về học để hiểu, giá trị thật của nhiều yếu tố khác chứ không nên chăm bẵm vào điểm số.

Là một phụ huynh, tôi cũng dạy các con không đặt nặng về điểm số. Điều quan trọng hơn là con học hiểu, chấp nhận làm theo cách của mình, dù điểm thấp chứ không học kiểu “đáp án một màu” để lấy điểm cao; kiến thức các con học được cần gắn với thực tế, cần biết nhiều kỹ năng hơn điểm số… Tôi vẫn hướng con tới nhiều giá trị khác mỗi ngày đến trường hay những việc làm thiết thực khác trước khi đến với danh hiệu. Tôi động viên để các con được học nhẹ nhàng, thiết thực, tuyệt đối không ganh đua với các bạn trong lớp về thứ hạng.

Phụ huynh hãy “cởi trói" cho chính mình, đừng đặt nặng thành tích để các em học đúng với khả năng của mình chứ không chỉ vì danh hiệu học sinh giỏi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.