Mong ước của nhà giáo ngày đầu năm 2023

01/01/2023 10:47 GMT+7

Năm mới đến rộn ràng nhen lên tia hy vọng mới… Giữa niềm vui vẫn len lỏi những ưu tư về nghề giáo và sự học nên xin gửi những niềm mong ước bé nhỏ trong những ngày đầu năm 2023.

Nhà giáo tự học và sáng tạo không ngừng nghỉ

Mong sao người thầy mãi sáng bừng tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông đang bước vào năm thứ ba trên chặng đường “thay sách” ở cả 3 cấp học: lớp 3, 7 và 10.

Trong tiến trình đổi mới, giáo viên phải vững tay chèo, chắc tay lái vượt khó khăn

đào ngọc thạch

Lực cản từ sự thiếu thốn cơ sở vật chất trường lớp, thiếu trầm trọng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đặt ra hàng loạt thử thách buộc ngành giáo dục cùng các ban ngành liên quan phải giải bài toán khó về chất lượng và hiệu quả.

Dẫu vậy, trụ cột của quá trình đổi mới chính là người thầy phải vững tay chèo, chắc tay lái gồng gánh con thuyền tri thức vượt khó khăn, tiến về phía bình minh. Tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo không ngừng nghỉ của nhà giáo chính là ngọn lửa bừng sáng soi rõ từng gương mặt thơ ngây, cảm hóa những biểu hiện lệch lạc và vun bồi nên lớp trẻ giàu năng lực, giỏi kỹ năng, sáng tâm hồn.

Yêu thương và chia sẻ nhiều hơn

Mong sao lớp trẻ thấu hiểu kỳ vọng và tình yêu thương của mẹ cha, thầy cô gửi gắm. Mong học sinh học hành chăm chỉ, nỗ lực chinh phục kiến thức và trau dồi kỹ năng để làm nền tảng vững chắc cho tương lai rạng rỡ.

Mong cách thương yêu và truyền động lực của người lớn gửi trao sẽ được con trẻ thấu hiểu và chia sẻ. Cha mẹ và con cái, thầy cô và học sinh hãy kết nối sợi dây sẻ chia, tâm sự bền chắc hơn để trẻ có cơ hội trải lòng và chúng ta có cơ hội định hướng, uốn nắn, đồng hành cùng con cái, học trò của mình trên từng nấc thang trưởng thành.

Văn hóa học đường được cải thiện

Mong sao văn hóa ứng xử học đường sẽ theo chiều hướng tích cực. Năm học này chỉ vừa đi được một phần tư chặng đường nhưng đã có nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra.

Làm thế nào để trẻ biết đồng cảm với nỗi đau của bạn, biết xót xa trước lời van xin và biết dừng tay trước khi làm tổn thương người khác bằng hành động, bằng lời nói? Câu trả lời cho bài toán khó ấy cần sự quyết tâm vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội trong nỗ lực vun bồi kỹ năng sống, giá trị sống cho người trẻ.

Tình yêu thương của thầy cô sẽ giúp học sinh trưởng thành

đào ngọc thạch

Không còn thành tích ảo trong giáo dục

Mong sao thành tích giáo dục chinh phục được sự hài lòng của dư luận. Giáo dục gặt hái thành tích rực rỡ là niềm vui của mọi người, mọi nhà nhưng tại sao sự hào hứng và tán dương của xã hội chưa trọn vẹn? Thậm chí không ít lời ta thán về căn bệnh thành tích ảo cứ lao xao không dứt mỗi dịp đầu năm học. Bởi có lẽ chưa bao giờ chúng ta chứng kiến sự đột biến của danh hiệu học sinh giỏi, “mưa” điểm 10 và “bão” giấy khen như mấy năm trở lại đây. Niềm tin vào chất lượng giáo dục cứ sụt giảm theo từng bản báo cáo thành tích lung linh và hư ảo.

Do đó, khát vọng “học thật, thi thật, nhân tài thật” phải biến thành bức tranh hiện thực bằng sự đổi thay của cả xã hội về sự học: Chấp nhận năng lực thực tế của học sinh, trân trọng từng nỗ lực tiến bộ của trẻ.

Cần quan tâm đến chính sách cho nhà giáo để thầy cô an tâm với nhiệm vụ dạy chữ, dạy người

đào ngọc thạch

“Cởi trói” áp lực đang bủa vây nhà giáo

Mong sao tiếng lòng của nhà giáo nơi nơi được lắng nghe và thấu hiểu. Việc ngành giáo dục thiếu trầm trọng giáo viên bởi không có nguồn tuyển khiến bất kỳ ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà đều băn khoăn suy tư. Bên cạnh lý do lương thưởng cùng chế độ đãi ngộ hạn chế thì muôn vàn áp lực từ công việc chuyên môn khiến người thầy quay cuồng với nhiệm vụ dạy chữ, dạy người nên dễ chùn bước, rời xa bục giảng.

Nghề nghiệp nào cũng tiềm ẩn áp lực nhưng nghề giáo ngày càng đối diện với vô vàn áp lực bủa vây từ yêu cầu đổi mới giáo dục đến kỳ vọng lớn lao mà xã hội quàng trên vai người thầy. Xã hội mong muốn nhà giáo có nhiệm vụ dạy dỗ học sinh vừa hồng vừa chuyên, vừa giỏi tri thức, năng lực vừa biết yêu thương, trung thực, lễ phép, đoàn kết, sáng tạo, hiếu học, tự lập…

Để kéo người giỏi về với giảng đường sư phạm và giữ chân người tài trên bục giảng, hãy “cởi trói” áp lực đang bủa vây, giúp người thầy an yên tự tại đến lớp, thăng hoa cùng bài giảng, chăm chút cho sự tiến bộ của học sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.