Hai lần bỏ xứ ra đi
Trước năm 2000, xung quanh núi Sập có khoảng 80% cư dân sống bằng nghề khai thác đá với hàng ngàn người. Năm 2001, khi núi Sập có nguy cơ đổ sập, chính quyền địa phương cho ngưng việc khai thác đá.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ Tịch UBND TT.Núi Sập cho biết: “Trong 5 ấp của thị trấn thì riêng ấp Tây Sơn là nghèo nhất. Trước đây do núi Sập sống chủ yếu từ nghề đá, nhưng do chính phủ cấm từ lâu. Riêng đất canh tác nông nghiệp cũng ít, khu công nghiệp cũng không có dẫn đến nhiều thanh niên rời quê đi làm ăn ở các thành phố lớn rất nhiều”.
Cũng như bao thanh niên khác, từ khi chính quyền địa phương cho ngưng việc khai thác đá, do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn nên anh Nguyễn Ngọc Sĩ (36 tuổi, ngụ ấp Tây Sơn, TT.Núi Sập, H.Thoại Sơn, An Giang) rời quê đi Sài Gòn tìm kế sinh nhai.
Gia đình vốn theo nghề đục đá truyền thống, từ nhỏ anh đã được cha truyền nghề. Nhưng đến năm 1996, khi gia đình gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu đá, mặt hàng cối đá bán ra hạn chế nên anh quyết định khăn gói rời quê để đi ra TP.Vũng Tàu kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau.
|
Khi làm công nhân tại Vũng Tàu, anh tình cờ gặp chị Nguyễn Thị Diệu cùng quê, cũng đang làm công nhân tại đây, rồi nảy sinh tình cảm và kết duyên vợ chồng.
Năm 2012, do việc làm ngày càng khó khăn, lương không đủ trang trải cuộc sống nên cả 2 trở về quê. Nhưng cũng chẳng tìm được công việc nên vợ chồng anh Sĩ quyết định ly hương lần nữa. Họ mong muốn lên Sài Gòn sẽ tìm được việc, có thu nhập để trang trải cuộc sống.
|
“Lúc đó, vợ tôi đi làm thuê, tôi thì sáng đi chà nhám gỗ, nhưng lương cũng không đủ sống nên tranh thủ làm tới 6 giờ chiều về, tôi lại xách xe đạp chạy khắp các ngõ hẻm để lượm ve chai đến 12 giờ khuya. Sau đó, vợ chồng xin vào làm công nhân tại một công ty, nhưng thu nhập cũng thiếu thốn trăm bề”, anh Sĩ trải lòng.
“Hồi sinh” khi... về nhà
Trải qua nhiều năm vất vả, năm 2016, anh Sĩ quyết định trở về quê hương với một ít vốn trong tay. Sau thời gian góp vốn làm ăn với người bạn nhưng thất bại, anh đi làm thuê cho một doanh nghiệp tại địa phương nhưng thấy không phù hợp và nguồn thu nhập bấp bênh nên anh xin nghỉ.
|
Trong cơn khốn cùng, tình cờ được người bạn giới thiệu nghề làm cối đá đang có xu hướng hút hàng, nên anh Sĩ đã quyết định thử vận may với nghề này. Nhờ được người bạn hướng cách làm, cùng kỹ thuật được cha truyền lại, anh nhanh chóng bắt nhịp và cho ra đời sản phẩm cối đá đẹp mắt. Nguồn đá hoa cương cũng được thu mua thuận lợi ở Kiên Giang nên nguồn hàng làm ra luôn ổn định.
Nhờ chịu khó, nên mặt hàng cối đá của anh Sĩ dần được nhiều người biết đến. Cũng như nhờ sự giúp đỡ của địa phương, anh Sĩ tham gia những phiên hội chợ giới thiệu mặt hàng cối đá núi Sập.
Hiện nay, cơ sở sản xuất cối đá Ngọc Sĩ của anh xuất bán ở nhiều tỉnh ở miền Tây như Đồng Tháp, Kiên Giang… Sản phẩm bền, đẹp nên được khách hàng đánh giá cao, số lượng làm ra bao nhiêu được tiêu thụ hết bấy nhiêu.
|
Bình quân mỗi tháng, cơ sở cung cấp cho các cửa hàng từ 150 - 200 cối tùy theo kích cỡ. Nhờ đó anh có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.
Còn anh Nguyễn Phúc Hậu (29 tuổi, ngụ ấp Tây Sơn) cho biết, lúc trước do cuộc sống gia đình khốn khó nên anh rời quê đi TP.Biên Hòa (Đồng Nai) làm công nhân, nhưng suốt 7 năm mưu sinh tại đó, do công việc không ổn định, thu nhập lại bấp bênh, làm mãi mà chẳng đủ lo cho bản thân nên anh trở về quê.
Đến tháng 10.2019, tình cờ được người bạn hướng dẫn làm cối đá, rồi anh theo phụ tiếp, làm công ăn lương. Chỉ sau vài ngày, anh lập tức nắm vững 10 công đoạn để tạo thành chiếc cối. Nhờ đó, thu nhập trung bình của anh Hậu từ việc làm cối đá cũng được khoảng 400.000 đồng/ngày, nên có chi phí để trang trải cuộc sống và dành dụm lo cho cha mẹ.
Bình luận (0)