Con mê iPad, điện thoại, YouTube… cha mẹ phải làm sao: Bí quyết của chuyên gia

08/04/2022 12:04 GMT+7

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong thời đại 4.0 luôn là một thách thức cho các bậc làm cha mẹ. Không chỉ ở thành thị mà ở nhiều tỉnh thành, đứa trẻ đã không thể rời xa cái điện thoại, iPad trong cuộc sống hằng ngày. Chiều con thì hoàn toàn không ổn nhưng chấp nhận đưa điện thoại cho con thì...

Hiện nay, nhiều phụ huynh đau đầu vì con trẻ mê và "dính cứng" suốt ngày với iPad, điện thoại thông minh, mê các trang mạng xã hội như: YouTube, TikTok, nghiện game mà lơ là việc học cũng như ít tham gia vào các hoạt động ngoại khóa … Trong những trường hợp này, cha mẹ cần làm gì?

Đau đầu vì con suốt ngày “chăm chăm vào điện thoại”

Chị Hoài Hương (42 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết gia đình mình có 2 con trai, 1 cháu đang học lớp 7 và cháu còn lại vừa lên lớp 4. Đợt dịch Covid-19 vừa rồi, chị có mua cho 2 con mỗi cháu một chiếc điện thoại thông minh để tiện cho việc học online.

“Từ ngày có điện thoại, sau khi học xong là các cháu chăm chăm vào cái màn hình, khi thì chơi game, khi thì xem YouTube, lướt TikTok thay vì ra ngoài chơi với các bạn như bình thường. Mình nói nhẹ nhàng thì các cháu không để ý, lớn tiếng thì nghỉ được một chút, xong đâu lại vào đấy”, chị cho biết.

Nhiều lúc chị Hương định “tịch thu” luôn điện thoại, tuy nhiên sợ ảnh hưởng tới việc học hành của các con. Làm văn phòng tại Q.1, chị cũng như chồng không có quá nhiều thời gian quản lý việc con dùng điện thoại thông minh nên khá lo lắng tình trạng này kéo dài vừa ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, vừa ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Vợ chồng chị Tịnh thường xuyên đưa con đi chơi để phần nào giảm sự phụ thuộc của con vào thế giới ảo.

nvcc

“Với tôi thì việc các cháu sử dụng điện thoại là không xấu, tuy nhiên nếu dành quá nhiều thời gian cho nó thì thực sự là không nên. Giáo viên cũng nói là mấy tháng qua cháu học có phần sa sút hơn, nếu không nghiêm khắc quản lý việc sử dụng điện thoại của cháu sớm chắc còn ảnh hưởng nhiều về sau”, chị nói.

Trong khi đó, để hạn chế việc con nghiện xem iPad, chị Hồ Thị Tịnh (40 tuổi, ngụ TP.HCM) ngay từ đầu đã đặt ra cho con quy tắc về giới hạn thời sử dụng các thiết bị điện tử. Mỗi ngày, em Lê Hồ Trúc Nhã (5 tuổi, con út chị Tịnh) chỉ được xem YouTube Kids trên iPad 30 phút sau bữa ăn tối.

Thời gian đầu, khi Nhã bước vào độ tuổi tập ăn dặm, em thường xuyên đòi "phải coi iPad mới chịu ăn". Lúc ấy, chị Tịnh chỉ đáp ứng sự đòi hỏi đó khoảng 40%, đa phần vẫn cố gắng tập cho bé tự ăn mà không cần phải coi iPad.

"Thời điểm đó, con chưa thực sự hiểu được ý muốn của ba mẹ nên mình cần mềm mỏng. Dần dần, bé lớn hơn, mỗi khi muốn coi iPad, tôi chỉ tay lên chiếc đồng hồ treo tường và ra quy định con chỉ được coi trong khoảng thời gian kim phút chạy từ số 12 đến số 6. Nếu con coi lố giờ, hôm sau con sẽ không được coi", chị Tịnh chia sẻ.

Bé Nhã được mẹ quản lý thời gian sử dụng iPad từ nhỏ để không hình thành thói quen xấu cho con
nvcc

Nhã chỉ được coi những chương trình trên YouTube Kids dưới sự "giám sát" của bố mẹ để chắc chắn không có nội dung xấu nào lọt vào mắt em. Dù bận rộn với công việc nhưng vợ chồng chị Tịnh vẫn cố gắng sắp xếp đưa em ra ngoài chơi, đi du lịch,... mỗi khi có thời gian rảnh để con được tận hưởng một tuổi thơ trọn vẹn, không quá phụ thuộc vào thế giới ảo. Đến bây giờ, chị Tịnh rất tự hào khi thấy Nhã tự giác ăn cơm nhanh và có khi "con mải chơi mà quên luôn việc muốn coi iPad mỗi tối".

Trẻ "nghiện iPad, điện thoại" cực kỳ phổ biến

Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia tâm lý trị liệu Cao Kim Thắm, Giám đốc chi nhánh TP.HCM Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam cho biết hiện nay, việc nghiện sử dụng điện thoại thông minh, iPad cực kỳ phổ biến ở trẻ em, và ở cả người lớn. Phần vì hiện tại, các gia đình có đủ điều kiện để sắm cho mỗi thành viên một chiếc điện thoại, iPad.

“Nhiều phụ huynh rất bận rộn với công việc nên thường đưa điện thoại, iPad cho trẻ để các con ngồi một chỗ chơi game, coi phim hoạt hình để không làm phiền cha mẹ. Điều này vô tình hình thành thói quen không tốt từ nhỏ”, chuyên gia nhận định.

Việc trẻ nghiện dùng iPad, điện thoại hiện nay cực kỳ phố biến

ẢNH: SHUTTERSTOCK

Theo chuyên gia Cao Thị Thắm, việc nghiện sử dụng iPad, điện thoại thông minh ở trẻ em có thể dẫn tới những hệ luỵ đáng quan ngại về thể chất lẫn tinh thần. Theo đó, việc tiếp xúc với màn hình điện thoại quá nhiều, không có sự kiểm soát sẽ ảnh hưởng tới đôi mắt (cận thị), não bộ dẫn tới việc trẻ không kiểm soát được cảm xúc của mình cũng như sa sút kết quả học tập. Thêm vào đó, khi dùng quá nhiều thiết bị điện tử ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ, dẫn tới lo lắng, tiêu cực, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, thậm chí nghiêm trọng hơn trẻ có thể bị trầm cảm.

Giám đốc chi nhánh TP.HCM Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam cho biết thời gian qua, trung tâm tiếp nhận đối tượng khách hàng từ 12 - 65 tuổi, chủ yếu trị liệu bằng ngôn ngữ. Nhiều trẻ đến trung tâm điều trị tình trạng căng thẳng/stress về học tập, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, mất ngủ, trầm cảm có khoảng 70 - 80% các trường hợp đó nghiện sử dụng điện thoại, iPad và các trang mạng xã hội.

Nghiện điện thoại ảnh hưởng nhiều tới thể chất, tinh thần của trẻ

ẢNH: SHUTTERSTOCK

Chuyên gia Cao Thị Thắm kể có một trường hợp khách hàng khoảng 15 tuổi, mới được mẹ đưa bạn đến trung tâm. Gần đây, người mẹ phát hiện con trai thường xuyên ở trong phòng 1 mình không tiếp xúc với ai, không nói chuyện ăn cơm với ba mẹ. Hầu hết thời gian cậu dành cho điện thoại, iPad và tình trạng này bắt đầu nghiêm trọng sau đợt dịch Covid-19 vừa rồi khi học sinh phải học online.

“Vì ba mẹ quá bận rộn nên từ nhỏ bạn khách hàng đã gửi bạn cho người giúp việc chăm sóc. Để có thời gian dọn dẹp nhà cửa, người giúp việc cũng cho bạn sử dụng iPad, điện thoại. Lớn lên ba mẹ thường xuyên đi làm cũng cho bạn sử dụng, học online mà không có sự kiểm soát dẫn đến việc bạn chỉ thích sống trong một thế giới ảo và không có những người bạn thực sự bên ngoài. Bạn cận nặng, cơ thể suy nhược, mất ngủ, giao tiếp thụ động, tình trạng đáng báo động”, chuyên gia nhận định.

Phụ huynh nên dành nhiều thời gian chất lượng cho con
THUÝ VŨ

Sau chẩn đoán, điều trị, nhờ thân chủ, phụ huynh tuân thủ tốt lời khuyên của chuyên gia như cha mẹ dành nhiều thời gian chất lượng cho con, giúp con kết nối được với ba mẹ của mình dần dần cậu bé cũng có tiến triển. Cậu thường xuyên tập thể dục thể thao, luyện tập mắt, sử dụng điện thoại có kiểm soát…, bệnh nhân dần thoát khỏi những thói quen cũ, tình trạng ngày càng tốt hơn.

Chuyên gia khuyên gì?

Chuyên gia tâm lý trị liệu Cao Kim Thắm cho biết để trẻ không bị nghiện điện thoại, iPad, phụ huynh cần quan tâm và dành thời gian cho con mình nhiều hơn, không nên tạo thói quen cho con sử dụng các thiết bị điện tử từ nhỏ mà không có sự kiểm soát.

“Phụ huynh có thể lên một lịch trình và thảo luận, thỏa thuận với con xem thời gian nào con dành cho việc học, thời gian nào dành thời gian cho chơi điện thoại, iPad, thời gian nào giúp ba mẹ làm việc nhà. Hãy cố gắng để việc con sử dụng iPad như một phần thưởng sau khi con hoàn thành các công việc khác, khi con ngoan, con làm điều gì tốt. Việc con sử dụng chúng cũng phải có sự theo dõi, quản lý của ba mẹ”, chuyên gia tư vấn.

Phụ huynh hãy làm gương cho các con

ẢNH: SHUTTERSTOCK

Điều quan trọng được chuyên gia tâm lý nhấn mạnh là ba mẹ phải làm gương cho con của mình vì nếu ba mẹ chỉ dán mặt vô màn hình điện thoại, iPad những lúc rảnh rỗi thì trẻ cũng sẽ học theo. Ba mẹ cũng không nên áp đặt, lớn tiếng đối với việc sử dụng các thiết bị điện tử của con.

Bà Thắm nói thêm: “Nếu cha mẹ không đọc sách mà khuyên con đọc thì thật khó để trẻ có được thói quen đó. Phụ huynh nên dành thời gian chất lượng cho con, lập ra những quy định, giải thích cho con hiểu rõ cũng như giúp cho các bé từ bỏ những thói quen không tốt khi dành thời gian quá nhiều cho điện thoại và iPad sẽ tạo điều kiện để con phát triển toàn diện sau này”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.