Sau hơn một tuần xét xử phúc thẩm và nghị án kéo dài, ngày 5.3, Tòa Gia đình và người chưa thành niên (TAND TP.HCM) tuyên án vụ “tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn” giữa nguyên đơn là ông Đ.H.T (61 tuổi, ngụ Hà Nội) và bị đơn là bà T.T.H (46 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM).
HĐXX chấp nhận kháng cáo của bà H. và kháng nghị của Viện KSND Q.4., sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn của ông T., giao bà H. trực tiếp nuôi hai con chung.
Cấp sơ thẩm đồng ý cho cha được nuôi một con
Theo bản án sơ thẩm (7.2019), ông T. và bà H. ly hôn vào năm 2015. Hai người thỏa thuận để bà H. nuôi bé L. (thời điểm này 14 tuổi) và bé A. (11 tuổi).
Đến năm 2019, ông T. gửi đơn ra TAND Q.4 yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn với lý do bà H. thường xuyên gây khó dễ khi ông đến thăm con và nói xấu ông với các con. Hiện, bà H. đã có người đàn ông khác và có thêm con thứ 3, gây ảnh hưởng đến sự giáo dục, phát triển của các con. Ngược lại, phía bị đơn là bà H. không đồng ý giao hai con lại cho ông T., vì các con cùng bà đã có cuộc sống ổn định. Hai cháu đang ở tuổi dậy thì, nên bà không muốn cho ông T. trực tiếp nuôi dưỡng.
Tại các biên bản hòa giải và lấy lời khai, hai bé L. và A. đều trình bày mong muốn được ở với mẹ tại TP.HCM.
Xét xử sơ thẩm, HĐXX nhận định, còn ông T. sống một mình, đã 61 tuổi nên nhu cầu về tình cảm cha con là có thật. Việc cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc con cái lúc nhỏ, con cái phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ khi về già là đạo lý tốt đẹp.
Vì vậy, HĐXX đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông T., giao bé A. cho ông chăm sóc.
Sau phiên xử sơ thẩm, bà H. làm đơn kháng cáo. Đồng thời, Viện trưởng Viện KSND Q.4 đã có kháng nghị bản án, đề nghị TAND TP.HCM xét xử theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông T.
Cấp phúc thẩm tuyên giao hai con cho mẹ nuôi dưỡng
Tại phiên xét xử phúc thẩm vào ngày 26.2, ông T. yêu cầu giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Phía bà H. giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, yêu cầu HĐXX không chấp nhận việc ông T. thay đổi quyền nuôi con. Sửa bản án sơ thẩm theo hướng bà trực tiếp nuôi hai con là bé L. và A.
HĐXX nhận định, ông T. và bà H. tự nguyện ly hôn và thoả thuận để bà H. nuôi hai con. Căn cứ vào xác nhận của địa phương nơi hai bé L., A. cư trú, học tập thì hai bé được bà H. chăm sóc, nuôi dưỡng tốt về thể chất, tinh thần. Căn cứ vào xác nhận công ty nơi ông T. và bà H. làm việc, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng cho thuê nhà thì cả hai có đủ điều kiện vật chất nuôi hai con.
Tuy nhiên, theo HĐXX, ông T. khởi kiện yêu cầu trực tiếp nuôi hai con với lý do bà H. cản trở ông đến thăm các con, nói xấu ông với các con, không bảo đảm việc giáo dục các con có đạo đức tốt., nhưng ông T. không cung cấp được tài liệu, chứng cứ cho các lý do nêu trên.
HĐXX nhận định, ông T. và bà H. là cha, mẹ của các trẻ nên đều có quyền và nghĩa vụ như nhau trong việc nuôi con. Cả hai đều thương yêu và có đầy đủ điều kiện để nuôi dưỡng các con. Tuy nhiên, từ khi ông T. và bà H. thỏa thuận giao bà H. nuôi hai con đến nay, hai bé vẫn được nuôi dưỡng tốt, phát triển bình thường. Ngoài ra, các bé đều là nữ, phát triển dần hoàn thiện về giới và đều có nguyện vọng trực tiếp sống với mẹ, nên nếu được mẹ tiếp tục chăm sóc thì sẽ thuận lợi hơn, bảo đảm lợi ích về mọi mặt.
Do đó, HĐXX nhận định tòa án cấp sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông T., giao bé A. cho ông nuôi dưỡng là không phù hợp với Điều 84 của luật Hôn nhân và gia đình 2014. Do vậy, HĐXX có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà H. và kháng nghị của Viện KSND Q.4.
Vì các lẽ trên, HĐXX tuyên sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu thay đổi quyền nuôi con của ông T., giao bà H. trực tiếp nuôi con chung là hai bé L. và A. Đồng thời ghi nhận sự tự nguyện của bà H. trong việc không yêu cầu ông T. cấp dưỡng nuôi con.
Bình luận (0)