Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao VN đang có chuyến thăm chính thức Singapore, hoạt động mở màn các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước.
Nhân sự kiện này, PV Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Phúc Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị VN - Singapore tại TP.HCM, Giám đốc Công ty giáo dục Hợp Điểm, đại diện tuyển sinh của ĐH Quốc gia Singapore (NUS) và nhiều trường khác tại đảo quốc này.
NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC TẠO NGUỒN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO
Theo hiểu biết của ông, trong những năm qua hai nước đã có những hợp tác như thế nào trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo?
Singapore và VN bắt đầu có sự hợp tác giáo dục rõ nét vào đầu những năm 2000. Đến nay, nội dung và phương thức hợp tác giáo dục có thể khái quát thành 3 nhóm. Nhóm hợp tác đầu tiên là việc chính phủ Singapore cấp học bổng cho VN, bắt đầu từ việc tuyển sinh viên VN vào học hệ cử nhân các trường đại học công lập của Singapore là ĐH Quốc gia Singapore (NUS), ĐH Công nghệ Nanyang (NTU) và ĐH Quản lý Singapore (SMU)... Sinh viên VN học tại 3 trường này có 2 dạng, bao gồm nhận học bổng và nhận trợ giúp tài chính. Đổi lại, sau khi ra trường, sinh viên có nghĩa vụ làm việc 3 năm cho các công ty, tổ chức thành lập tại Singapore. Sau đấy, các bạn có thể làm việc ở VN hoặc khắp nơi trên thế giới.
Ngoài ra, các trường ĐH công lập kể trên còn có chương trình học bổng thạc sĩ và tiến sĩ cho ứng viên VN. Cho đến nay, đã có khoảng 2.000 sinh viên VN đi học theo các bậc cử nhân và cao học tại 3 trường ĐH tiên tiến này, ở nhiều ngành kinh doanh, khoa học và công nghệ, nghệ thuật và dịch vụ.
Cùng thời gian đó, chính phủ Singapore còn cấp học bổng cho học sinh trung học VN đi học tại các trường trung học công lập hàng đầu. Đó là chương trình học bổng ASEAN của Bộ Giáo dục Singapore quản lý và chương trình học bổng A*STAR của cơ quan khoa học công nghệ. Sau khi học trung học, các em tiếp tục theo học tại các đại học công lập của Singapore hoặc các nước tiên tiến khác.
Sau hơn 20 năm, nhiều bạn trẻ VN của các chương trình học bổng và trợ giúp tài chính nói trên đã trở thành chuyên gia, cán bộ nhà nước và doanh nhân thành đạt. Các bạn chính là nguồn vốn nhân lực quý báu, là cầu nối quan trọng cho mối quan hệ hợp tác đa dạng giữa hai quốc gia cũng như bang giao quốc tế của VN.
Mặt khác, chính phủ Singapore cũng đã cho nhiều loại học bổng ngắn hạn và dài hạn để giúp công chức nhà nước VN tu nghiệp, nâng cao trình độ ở nhiều ngành nghề. Trong đó, Bộ Ngoại giao Singapore có chương trình hỗ trợ nhiều năm cho hàng trăm công chức của TP.HCM từ cấp trưởng phòng trở lên đi bồi dưỡng tiếng Anh tại NTU.
Nhóm hợp tác giáo dục kế tiếp là việc Singapore "xuất khẩu giáo dục" qua VN, trước nhất là mở rộng cửa cho giới trẻ VN du học tự túc tại các trường tư thục từ trung học, cao đẳng dạy nghề đến ĐH tại "đảo quốc sư tử". Con số này đến nay rất lớn, có thể lên đến hàng chục ngàn người học ngắn hạn và dài hạn ở nhiều trình độ và lĩnh vực. Một số trường tư thục và doanh nghiệp của Singapore đã qua VN mở các trường trung học, trường dạy nghề, hoặc liên kết đào tạo với các trường sở tại.
Nhóm hợp tác giáo dục cuối theo tôi biết chưa nhiều lắm. Đó là việc một số trường ĐH, viện nghiên cứu của Singapore bắt đầu hợp tác với các đối tác VN để liên kết triển khai các dự án nghiên cứu về khoa học và công nghệ, hoặc trao đổi giảng viên và chuyên viên.
LỢI ÍCH CHO CẢ HAI BÊN
Ông đánh giá như thế nào về kết quả các hợp tác nói trên?
Nhìn lại chặng đường trên 20 năm, cả 3 nhóm hợp tác giáo dục mà tôi vừa đề cập đều đem lại kết quả "win-win", các bên cùng có lợi.
Với VN, Singapore tuy là một quốc gia có diện tích nhỏ nhưng lại là một đất nước công nghiệp phát triển, sử dụng tiếng Anh phổ biến. Hơn nữa, Singapore rất gần VN, chỉ trong khoảng 2 giờ bay. Nơi đây có hệ thống giáo dục đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời là nơi có nhiều công ty và tổ chức quốc tế đặt văn phòng, xí nghiệp; đặc biệt là về các lĩnh vực công nghệ cao, viễn thông, tài chính - ngân hàng và thương mại. Do vậy, người VN đến học tập hay tu nghiệp tại Singapore không chỉ tiếp nhận các kiến thức, kỹ năng hàng đầu mà còn có dịp làm quen nhanh với môi trường sống và làm việc công nghiệp hóa - hiện đại hóa mang tính quốc tế.
Trong khi ấy, giống như các nước châu Âu, Mỹ và Úc là những nước "xuất khẩu giáo dục", Singapore cũng được lợi rất nhiều từ việc có thêm nguồn nhân lực quốc tế và có thêm thu nhập đáng kể từ các dịch vụ liên quan đến du học sinh. Điều quan trọng hơn nữa, Singapore và VN đều là thành viên của ASEAN, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa và lịch sử. Việc hợp tác giáo dục đã và sẽ giúp cả hai làm giàu thêm nguồn tri thức cũng như làm giàu thêm các nguồn liên hệ (connection) để đẩy mạnh hợp tác và liên kết đa dạng.
Ở nước nào cũng vậy, giáo dục là một phần thiết chế quan trọng của cơ sở hạ tầng, là "đường băng" để kinh tế - xã hội cất cánh. Tôi mong và tin rằng chính phủ hai nước sẽ tất yếu định hướng và thực thi việc mở rộng hợp tác trong giáo dục - đào tạo đi liền với các quyết sách hợp tác kinh tế.
Bình luận (0)