Còn nhiều quan điểm mâu thuẫn về việc sửa bộ luật Hình sự 2015

03/10/2016 13:36 GMT+7

Các bộ, ngành còn nhiều quan điểm mâu thuẫn nhau, thậm chí nhiều nội dung khác quan điểm của Chính phủ, đối với việc sửa đổi, bổ sung bộ luật Hình sự 2015 .

Đây là thông tin được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết tại phiên họp sáng nay (3.10) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Tại phiên họp, bà Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho phép thông qua dự án luật tại 2 kỳ họp, vì nhiều lý do khác nhau.
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp cho biết dự án luật bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung 141 Điều của bộ luật Hình sự năm 2015. Việc phải sửa đổi, bổ sung số điều luật lớn như vậy là do một số trường hợp mặc dù chỉ sửa sai sót 1 lỗi kỹ thuật nhưng phải sửa đổi nhiều điều luật liên quan để bảo đảm thống nhất.
Nội dung của dự án luật “nặng” như vậy nhưng bà Nga cho biết hồ sơ dự án luật được gửi tới cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội để phối hợp thẩm tra quá gấp.
Cụ thể, Ủy ban Tư pháp nhận được hồ sơ dự án luật ngày trước phiên họp này chỉ 10 ngày, nên chưa đủ thời gian để nghiên cứu thật sâu. Theo bà Nga, các ĐBQH và Đoàn ĐBQH cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và đóng góp ý kiến về dự án luật.
Đại diện Ủy ban Tư pháp cho biết, dự án luật vẫn còn rất nhiều nội dung liên quan đến định lượng chi tiết thuộc chuyên ngành sâu chưa thống nhất được giữa các bộ, ngành có liên quan như: cách tính tỷ lệ tổn thương cơ thể, định mức xả thải ra môi trường, chỉ số gây ô nhiễm môi trường, việc có hay không giám định hàm lượng chất ma túy, hàng cấm, vũ khí quân dụng…
“Tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, vẫn còn một số bộ, ngành có quan điểm mâu thuẫn với nhau và khác với quan điểm của Chính phủ về một số nội dung. Đây là những vấn đề lớn, liên quan đến quản lý nhà nước chuyên ngành, cần phải thống nhất về quan điểm và đòi hỏi có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn các chuyên gia cả về lý luận và thực tiễn”, bà Nga cho biết.
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp cũng cho hay trong thời gian rà soát các quy định, định lượng chi tiết, nhiều bộ, ngành đã có ý kiến bằng văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều luật của bộ luật Hình sự năm 2015 cho phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm tính khả thi… Bà Nga cũng cho biết, đa số các thành viên trong ủy ban này thấy còn nhiều vấn đề cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, do đó, phải có thời gian cần thiết mới làm tốt được.
Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội khoá 12, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27.11.2015, có hiệu lực thi hành từ 1.7.2016. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 109/2015/QH13 của Quốc hội về việc thi hành bộ luật này, các cơ quan hữu quan đã phát hiện và phản ánh về một số sai sót kỹ thuật, một số quy định chưa hợp lý hoặc khó áp dụng trên thực tế.
Ngày 29.06.2016, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của bộ luật Hình sự năm 2015 đồng thời, bổ sung dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Hình sự năm 2015 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình Quốc hội khoá 14 tại kỳ họp thứ hai.
Đề nghị bổ sung một số cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện vào luật

Theo bà Lê Thị Nga, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với quan điểm của Chính phủ về việc bổ sung chất ma tuý XLR-11 (được tẩm trong cỏ Mỹ) thuộc danh mục 2 và lá cây Khát (có chứa chất ma túy Cathinone) thuộc danh mục 1 quy định tại Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19.7.2013 của Chính phủ. 
Theo quan điểm của Ủy ban Tư pháp thực tiễn đấu tranh phòng, chống ma túy ở nước ta cho thấy tội phạm về ma túy diễn biến rất phức tạp, khó lường; thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt như tẩm các chất ma túy vào tem giấy, bóng bay (ma túy tem, bóng cười…) gây hậu quả rất nghiêm trọng, đòi hỏi phải xử lý kịp thời, nghiêm minh. Do đó, để bảo đảm chủ động, linh hoạt trong đấu tranh với tội phạm về ma túy, thì cần phải có quy định mang tính dự báo làm cơ sở cho việc xử lý tội phạm khi phát hiện vật thể hoặc loại cây mới có chứa chất ma túy mà không phải sửa đổi, bổ sung bộ luật Hình sự. 
Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, tránh việc lạm dụng, bà Nga cho rằng dự luật cần quy định rõ: các chất ma túy khác được Chính phủ quy định trong danh mục chất ma túy và tiền chất theo quy định của luật Phòng, chống ma túy. Đồng thời quy định nguyên tắc xác định khối lượng, thể tích của các chất ma túy mới được phát hiện tương ứng với các chất đã được quy định trong điều luật, bảo đảm cho việc áp dụng thống nhất.

Đề nghị bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng mạng viễn thông

Tại dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này, tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292 BLHS năm 2015) đã được Chính phủ loại bỏ. 
Theo bà Nga, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với việc bỏ Điều 292 của bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị giữ lại và đưa vào các chương tương ứng quy định hành vi cấm kinh doanh vàng tài khoản (đã được quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ); kinh doanh đa cấp bất chính (được quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ)… trên mạng máy tính, mạng viễn thông vì phạm vi ảnh hưởng, tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội , hậu quả lớn, rất khó khắc phục cần phải có quy định để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.