Con nít con nôi tổng vệ sinh ngày Tết: Chuyện cười ra nước mắt

21/01/2023 13:33 GMT+7

Tết! Chỉ cần nghe nhiêu đó thôi thì bao kẻ lữ thứ rời làng quê, đồng lúa, mái đình lên phố xá ngược xuôi tìm kiếm kế sinh nhai, hay hàng triệu người Việt tha hương bất kì nơi nào trên thế giới cũng thấy nôn trong dạ.

Những người cả năm làm lụng cực nhọc chỉ ngóng mong tới ngày này, bằng bất cứ giá nào cũng cố gắng thu xếp mua vé máy bay, tàu xe về nhà đi chợ hoa, bánh mứt, hay ngồi quanh quần gói đòn bánh tét, dọn dẹp cửa nhà, xúng xính áo quần thăm bà con họ hàng và ấm êm với gia đình trong bữa cơm tất niên giữa chiều nhạt nắng.

Mà dân Ninh Hòa chuẩn bị ăn Tết sớm lắm nhen. Khi trận lụt cuối cùng vào dịp 23-10 âm lịch đổ về, hoa bìm bìm nở trắng một khúc sông, báo hiệu mùa lũ năm nay đã chấm dứt rồi, bà con bắt đầu rục rịch chuẩn bị xuống giống, trồng rau, lo chăm chút vườn tược, bông cỏ, trái cây để kịp ra quả, đơm hoa bán Tết. Những nhà buôn ngoài chợ bắt đầu vào Nam, ra Bắc tìm nguồn hàng hóa, xoong nồi, bánh kẹo hay củ kiệu, măng khô, hành tiêu ớt tỏi nhập về để chuẩn bị cho một cái Tết ấm êm trước mặt. Bà con làm bánh kẹo cũng mua bột, trữ đường, giấy báo thiệt sớm để giá rẻ hơn, chứ cận ngày mọi thứ tăng lên chóng mặt. Ai chuyên gói bánh tét thì lo mua nếp, đậu phộng, đậu xanh, dây nhợ trữ đầy bồ. Lo tới hàng thịt đặt cọc mua thịt mỡ, chạy tới vườn dặn người ta để cho mình lá chuối loại ngon để gói bánh không hao hụt.

Một tiệm hớt tóc kiểu cũ mấy mươi năm vẫn còn ở Ninh Hòa

Nhưng đó là chuyện của người lớn. Bọn con nít tụi tôi cũng có nhiều việc cần phải làm để chuẩn bị cho ba ngày Tết

Mấy đứa xóm, đầu đầy trứng, chí đực với chí mén vì tắm toàn nước lạnh, không có xà bông gội.Con trai nhiều chí thì ngồi im để ông thợ lấy cái tông đơ đẩy vài cái là trọc đầu, sạch trơn, sướng nhé. Nhưng khổ nhất là tụi con gái. Dù có tắm rửa sạch cỡ nào, chí vẫn bám như thường. Tội tụi nó lắm, từ xa thấy tóc dài đen nhánh, chứ lại gần lốm đốm trứng trắng.Ngứa quá, tìm tờ giấy trắng kê dưới đất, gục xuống, lấy lược dày chải cái ót, trời ơi chí mẹ chí con rớt độp độp thấy ghê. Nhiều bữa trời lụt, nước dâng lên ngập đường, tụi nó ra rũ tóc gội cho sạch. Vừa xối nước thôi thì thấy cả bầy chí lóp ngóp bò lên vách tường. Kinh khiếp!

Con nít Ninh Hòa xách nước ở một giếng làng ven đường

Vậy mà có người mê chí mới ớn ăn chứ. Chiều nào dì Bảy Trầu cũng ngồi trước cửa nhà, thấy con nít đi qua là ê ê, tới đây tao cho tiền rồi ngồi im để bắt chí.T ụi tôi sẵn đang ngứa đầu và tham tiền nên thay phiên nhau ngồi xuống. Dì vạch đầu mò một hồi, bắt ra con chí đực, cắn cái bụp. Mò hai hồi, bắt con chí mén, cắn cái bụp. Mà cắn xong đâu có nhả liền, dì ngậm trong họng một đỗi, nhổ cái bẹt nhìn muốn ói. Dì ghiền bắt chí như ghiền ăn trầu, bữa nào không có chí chắc ngủ không ngon, ăn không yên quá.

Hồi đó làm gì có xà bông với xà biếc. Khi giặt đồ, lấy tro pha vô nước giếng, lắng lấy nước trong, ngâm áo quần trắng bóng. Vài năm sau thì có hũ xà bông hình con vịt của Viso, toàn là xút, giặt đồ xong tay khô như ngói. Và Tết đến, đầu óc phải sạch sẽ, thơm tho. Thế là cả bọn í ới gọi nhau, ra giếng làng ngay nhà tôi, thả gầu xuống múc nước rồi chia nhau từng mớ xà bông bột gội đầu. Ơn trời, nhờ mớ bột giặt này mà chí đực chí mén gì cũng đi tong. Giờ mò một con làm thuốc cũng chẳng có.

Gội sạch chí xong thì đi xếp hàng chờ hớt tóc. Cuối năm, mấy ông thợ cạo làm việc không ngơi tay từ sáng sớm tới tối mịt. Mùa này thì miễn cạo mặt ráy tai đi ha. Hớt tóc thôi cũng đủ rã rời rồi. Chúng tôi kiên nhẫn ngồi đợi. Hết đứa này tới đứa khác nhảy vô ngồi lên ghế. Ông lấy cái tông đơ tay, bập bập đi vài đường. Ta nói tóc tai dài rớt xuống bên dưới cả đống (may mà hết chí đực chí cái rồi, chứ không xấu hổ chết). Trong vòng năm phút, qua bàn tay tài hoa của chú thợ cạo, đầu tóc húi cua của tụi tôi gọn gàng hẳn lên. Ông lấy dao cạo, mài liếc vô sợi dây nịt cũ cho bén ngót lên, đưa lên mặt xắn vô mai, sau ót vài đường. Xong. Tháo khăn ra giũ giũ. Trả tiền. Cho đứa khác ngồi lên tiếp.

Những đôi dép nhựa đủ màu có từ thời... bao cấp tới giờ vẫn còn được bán ở Ninh Hòa.

Xà bông tắm cũng là hàng hiếm. Con nít con nôi mê chơi, lăn lộn suốt ngày ngoài bãi cát nên đất dính đầy người. Tắm thì cứ xối nước xong kì cọ rồi thôi. Nên lâu ngày, đất đóng thành lớp sau tấm lưng trần. Cứ vài tháng một lần, phải tổng vệ sinh định kì. Lười biếng thì… chờ luôn tới Tết. Đứa này nhờ đứa kia trét tí xà bông bột lên lưng, tạt nước lên thành giếng rồi cạ cạ vô. Nhẹ thôi nhen, chứ không rách da, chảy máu như chơi. Năm phút sau, lưng đỏ hồng lên, đất bẩn theo đó mà rớt ra. Sạch sẽ nhé. Đứa nào dơ quá, cạ mãi không ra thì có chiêu khác trị. Nhờ người lớn trộn xà bông vô dầu lửa, rồi lấy vải nhúng vô. Vừa chà vừa nghe chửi, là ăn ở dơ dáy, cả năm không tắm rửa kì cọ cho sạch. Mày mà còn ở dơ vậy là chết với tao. Ta nói chà tới đâu đất rớt tới đó. Bị chửi hoài nhưng không sợ đâu.Năm sau vẫn… y chang. Riết thành thói quen cho tới khi lớn xác.

Mỗi năm tụi tôi chỉ được may bộ đồ mới ăn Tết, chứ phần lớn là mặc áo bính. Đứa lớn mặc chật, nhường xuống đứa nhỏ phía sau tiết kiệm. Đêm ba mươi Tết, cả bọn đứng ngay cửa sổ, chị tôimay đồ cho khách trước rồi mới may cho người nhà. Xong cái nào, đưa ra, hí ha hí hửng mặc cái đó, áo còn in vết phấn may và đường chỉ vắt sổ. Còn không thì chị lấy vải tám mỏng như lá lúa, hay vải vụn, vá chùm vá đụp thành cái áo cho tôi, y như miếng giẻ lau nhà đủ màu sắc. Năm tôi học lớp một, chị may cho tôi cái áo tám chín chục màu như thế. Vô lớp bị bạn bè chọc quá trời. Về nhà khóc bù lu bù loa thế là hổng thèm mặc nữa. Nhưng giờ mà có cái áo như thế tôi sẽ mặc mỗi ngày vì quá đẹp. Ngẫm lại hồi đó mình cũng rất thời trang.

Dép con gà hồi đó là số một, chỉ người giàu mới có tiền mua. Khá chút đỉnh thì mang dép lào, dép cá sấu. Còn nghèo như bọn tôi thì mang dép nhựa. Tất nhiên, mỗi năm cũng chỉ được sắm một đôi dịp Tết. Nó dỏm òm, mang vài tháng là đứt càng, hở quai, tiền đâu mua dép mới nên phải đi hàn lại. Hầu như góc chợ nào cũng có chú hàn dép ngồi bên cái lò đỏ rực than, mấy thanh sắt và vài đôi dép cũ. Ra chợ, đưa trăm bạc, chú hơ cây sắt cho nóng, cắt miếng dép mồi, kê vô chỗ đứt, làm cái xèo, khói bay mù mịt. Xong. Cứ đứt là hàn, đứt là hàn, nhiều khi đôi dép vá chằng vá đụp thấy thương. Hết chỗ hàn mới đi bán nhôm nhựa được vài đồng ăn bánh.

Thị xã Ninh Hòa những ngày giáp Tết

Đất nước mở cửa. Mọi thứ phát triển nhanh như cơn lốc. Nhà nào cũng bắt nhịp mua bán làm ăn. Từ những năm cả xóm chỉ có một cái tivi, đêm nào cũng ngồi xếp lớp coi Tây Du Ký hay thứ bảy coi cải lương, tới lúc mỗi nhà ráng dành dụm mua một cái tivi trắng đen, rồi tivi màu nội địa (của Nhật), mọi thứ diễn ra trong vòng vài năm ngắn ngủi.

Bọn tôi lớn lên, cũng không phải mặc áo bính mỗi khi Tết đến, cũng thoát khỏi cảnh mang dép nhựa hàn trước, vá sau. Tóc tai, da dẻ, răng cỏ cũng gọn gàng hơn. Rồi lấy vợ, lấy chồng, đẻ cái, sinh con, tứ tán khắp nơi. Mỗi lần Tết về có dịp gặp nhau, ngồi bên ly cà phê, í ới gọi nhau đi ăn tất niên, uống vài chai vô ngà ngà say, kể chuyện đời xưa, cười ra nước mắt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.