“Con muốn…”, “con nghĩ là…”
Chị Hoàng Thảo Kim (ngụ chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) có một con học lớp 7, một con học lớp 4. Chị Kim kể lại: “Có lần mình bị stress trong công việc, buổi tối về nhà, thấy con út ngồi xem ti vi, mình quát con sao chưa đi học bài mà còn ngồi xem tivi. Lập tức, con gái mình nói lại: Sao mẹ lại quát con vô lý vậy? Mọi khi ăn xong con được xem tivi 15 phút rồi mới học bài mà? Con nghĩ là nếu mẹ muốn con đi học thì mẹ có thể nói nhẹ nhàng với con hơn”.
Chưa hết, chỉ vì muốn kiếm soát việc con trai lớn sử dụng Facebook như thế nào, chị Thảo đã vào phần tin nhắn trên ipad của con để đọc, thì bị con phản kháng rất mạnh mẽ. “Con mình nói, từ giờ mẹ không nên làm như thế vì đó là quyền riêng tư của con, mẹ không được xâm phạm. Hơi một tí thì tụi nhỏ nói ba mẹ phải tôn trọng con, con muốn mẹ thế này, con muốn ba thế kia… Vợ chồng mình luôn đau đầu để tìm cách dạy con”, chị Kim chia sẻ.
Chị Nguyễn Thanh Hương, giáo viên môn văn, Trường THPT Quốc Oai, Hà Nội cũng cho biết con trai mình từ lúc 12 tuổi là bắt đầu hay “cãi lý”, không phải chuyện gì ba mẹ nói con cũng nghe theo.
Chị Hương nhìn nhận: “Thế hệ tụi mình ngày xưa từ nhỏ đến lớn không bao giờ dám cãi lại cha mẹ. Cha mẹ dạy bảo thế nào cũng nghe lời. Nhưng các con bây giờ khác nhiều rồi, mẹ mà quát to là cũng góp ý với mẹ. Nói điều gì chưa đúng con sẽ phản biện lại ngay. Nhiều bé thích làm gì thì thường sẽ làm bằng được. Cha mẹ không còn dùng quyền để áp đặt trong cách dạy con nữa”.
Theo chị Trần Diễm, bác sĩ tại Bệnh viện Thủ Đức (TP.HCM), có con gái 10 tuổi, thì dạy con thời nay rất khó. “Con mình biết rất nhiều chuyện từ ca nhạc, chính trị, xã hội đến showbiz. Nếu cha mẹ không thông minh hơn, không có phương pháp đúng đắn thì con sẽ không phục, vì các con được đọc nhiều, học nhiều nên có nhận thức rất nhạy bén và sâu sắc”, chị Diễm nêu quan điểm.
Áp đặt là thất bại
Lý giải về điều này, chị Thanh Hương cho rằng: “Các bé được học kỹ năng từ nhỏ, được khuyến khích bày tỏ chính kiến và sở thích. Môi trường sống khiến trẻ mạnh dạn, năng động, bản lĩnh hơn. Có những thứ phải làm theo ý các con vì nó hợp lý. Vì vậy cha mẹ phải lắng nghe, gần gũi và chia sẻ với con như người bạn”.
tin liên quan
Con mắc sai lầm, làm sao để níu lại?
Tiến sĩ xã hội học - tâm lý học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính quốc gia, cố vấn chuyên môn Hội quán Các bà mẹ TP.HCM) nêu ra 3 nguyên nhân chính khiến trẻ em thời nay khác hẳn các thế hệ trước.
Thứ nhất, sự phát triển của công nghệ thông tin khiến trẻ được đọc, nghe, xem về quyền trẻ em, về những vấn đề cởi mở trong tư tưởng rồi nắm bắt rất nhanh.
Thứ 2, ở trường học, trẻ được tham gia các chương trình kỹ năng sống, chuyên đề, sinh hoạt giữa giờ… nên nhận thức rất rõ được quyền và nghĩa vụ của mình, biết được điều gì người lớn làm là đúng, là sai.
Thứ 3, bản thân cha mẹ ngày nay cũng thoải mái hơn, dân chủ với con hơn, không khắt khe như trước, tôn trọng quyền được lên tiếng của con, kỳ vọng con sẽ trở thành người tự tin, tự chủ khi ra ngoài xã hội.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Thúy, cha mẹ ngày nay có những mâu thuẫn rất rõ rệt. “Phụ huynh muốn con tự tin, có chính kiến, biết phản biện nhưng khi gặp tình huống con không nghe lời thì lại quay về cách dạy truyền thống, đó là áp đặt và dùng quyền cha mẹ để dạy dỗ. Mâu thuẫn này sẽ có tác dụng tiêu cực đến con, hậu quả là con sẽ phản kháng. Vì vậy, phụ huynh cần phải thống nhất trong cách giáo dục, không được áp đặt nếu muốn con lớn lên là người tự tin, dám nói, biết đúng sai. Hãy làm bạn với con bằng cách lắng nghe, chia sẻ, gợi mở chứ đừng dùng quyền cha mẹ để áp đặt, vì áp đặt là sẽ thất bại”, tiến sĩ Thúy nhìn nhận.
Bình luận (0)