Sáng 11.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo kết quả giám sát việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 và việc thực hiện chính sách y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Cuộc giám sát này có phạm vi trên toàn quốc về nội dung huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 1.1. 2020 đến hết ngày 31.12.2022 và về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng từ ngày 1.1.2018 đến hết ngày 31.12.2022.
Ngân sách nhà nước đã chi 236.000 tỉ đồng cho chống dịch
Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó trưởng đoàn giám sát, cho biết đến 31.12.2022, tổng nguồn lực đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là trên 236.000 tỉ đồng.
Trong đó, số huy động từ nguồn ngân sách nhà nước là hơn 189.404 tỉ đồng, từ các nguồn khác 47.048 tỉ đồng (viện trợ nước ngoài, các quỹ vắc xin Covid-19 T.Ư và địa phương…).
Bà Thúy Anh cũng cho hay, tổng số ngân sách nhà nước đã phân bổ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân là hơn 131.259 triệu đồng.
Phân bổ từ các nguồn viện trợ, Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 của T.Ư, Quỹ vắc xin của địa phương là hơn 33.450 tỉ đồng.
Cụ thể, kinh phí mua vắc xin phòng Covid-19 là 15.134 tỉ đồng; hỗ trợ sản xuất, thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19 là 4,6 tỉ đồng; mua sắm test kit 2.593 tỉ đồng; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm (trừ test kit) 5.291 tỉ đồng; khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 là 719 tỉ đồng; sàng lọc, thu dung, cách ly y tế 89 tỉ đồng;
Ngoài ra, chi phí xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị Covid-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến 403 tỉ đồng; thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia chống dịch (quân đội, công an, y tế ...) 4.487 tỉ đồng; Chương trình sóng và máy tính cho em, dạy học trực tuyến 96 tỉ đồng; hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động 31.836 tỉ đồng; chi khác là 2.588 tỉ đồng;…
Quy định chậm điều chỉnh dẫn đến tâm lý sợ sai
Đoàn giám sát cũng chỉ ra không ít những khó khăn trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ ngân sách nhà nước.
Cụ thể là các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết bị chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh; còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự.
Những vướng mắc về thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán chưa được các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn kịp thời hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chậm chi trả chế độ hỗ trợ cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch và chi hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp.
Việc tiếp nhận trang thiết bị, phương tiện, thuốc, sinh phẩm, hóa chất được tài trợ thiếu thủ tục, hồ sơ, không xác định được giá trị tài sản dẫn đến không đủ cơ sở pháp lý trong việc xác nhận quyền sở hữu toàn dân, quản lý, theo dõi, hạch toán.
Trong nước chưa chủ động được nguồn thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế, sinh hóa phẩm. Việc điều động, hỗ trợ nhân lực giữa các địa phương, đơn vị chưa có kế hoạch tổng thể, thiếu điều phối chung; thiếu thống nhất, đồng bộ trong ứng dụng công nghệ thông tin giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương và lực lượng phòng, chống dịch.
Cho phép thanh quyết toán số đã chi thực tế
Bà Thúy Anh cho biết, đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, trách nhiệm chính trong các tồn tại, hạn chế nêu trên thuộc về Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ban, ngành và các địa phương, báo cáo giám sát nêu rõ.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của Quốc hội, HĐND trong công tác theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện luật, tuy đã được quan tâm nhưng chưa thực hiện thường xuyên, liên tục.
Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm với 27 bài học cụ thể cùng với việc đề xuất 2 nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế và về tổ chức thực hiện.
Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết giám sát, trong đó cho phép thanh toán, quyết toán một số chi phí, xác lập tài sản sở hữu toàn dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phải hoàn thành trước 31.12.2023.
Cụ thể, cho phép thanh toán, quyết toán chi phí đối với thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị thực tế sử dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện dưới các hình thức tạm ứng, vay, mượn trước ngày 31.12.2022 theo giá và thủ tục thanh toán do Chính phủ quy định.
Cho phép thanh toán, quyết toán chi phí đã cung cấp thực tế dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV2 theo cơ chế đặt hàng nhưng chưa có hợp đồng đặt hàng theo khối lượng thực tế phát sinh theo giá do UBND cấp tỉnh quyết định.
Cho phép xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các tài sản được tài trợ, cho, biếu, tặng từ ngày 1.1.2020 đến hết ngày 31.12.2022 tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thực tế đã tiếp nhận, quản lý, sử dụng nhưng vì lý do khách quan nên không có đủ hồ sơ, tài liệu, không xác định giá trị hoặc giá trị tài trợ trong biên bản tài trợ hoặc có sự chênh lệch cao hơn so với giá mặt hàng tương đương được công bố, công khai trên thị trường hoặc trên cổng thông tin của cơ quan chức năng.
Bình luận (0)