Kiểm tra mua sắm phòng chống dịch Covid-19 cần xem xét bối cảnh thực tế

Duy Tính
Duy Tính
03/03/2023 14:28 GMT+7

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng khi thanh, kiểm tra công tác mua sắm phục vụ phòng, chống dịch cần xem xét bối cảnh thực tế trong giai đoạn dịch Covid-19...

Ngày 3.3, Đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại Sở Y tế TP.HCM.

Mua sắm thuốc, vật tư trong thời điểm dịch bệnh có những khó khăn

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo cáo quá trình phòng chống dịch bệnh Covid-19, công tác mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch và các chính sách cho nhân viên y tế.

Liên quan đến vấn đề mua sắm, theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, do dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới, diễn biến của dịch phức tạp, khó lường, nguy hiểm đến tính mạng của nhân dân, nên việc lập dự toán kinh phí cho phòng chống dịch chưa sát với thực tế. Các kịch bản phòng chống dịch luôn thay đổi theo diễn biến của tình hình dịch.

Tuyến đầu chống dịch Covid-19 được tôn vinh, xong bị kiểm điểm, điều tra - Ảnh 1.

TP.HCM cho biết có nhiều khó khăn trong mua sắm hàng hóa lúc phòng chống dịch Covid-19

DUY TÍNH

Việc mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang bị y tế trong thời gian dịch bệnh có nhiều khó khăn như hàng hóa khan hiếm, nhà cung cấp cung ứng nhỏ giọt, nhiều nhà cung cấp không hoạt động, giá cả tăng nhanh...

Mặt khác, trong quá trình thực hiện mua sắm, việc lấy báo giá của các nhà cung cấp gặp trở ngại do giãn cách xã hội. Có nhiều mặt hàng, dịch vụ chỉ có 1 - 2 nhà cung cấp trên toàn quốc nên không thể có đủ 3 báo giá theo quy định.

Việc tìm công ty thẩm định giá cũng rất khó do dịch bệnh phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội. Các đơn vị thực hiện dịch vụ thẩm định giá không phản hồi hoặc từ chối, không nhận thực hiện dịch vụ.

Giá cả biến động rất nhanh nên khi xây dựng xong dự toán chuyển sang quy trình mua sắm thì giá cả đã giảm xuống. Các báo giá, thẩm định giá không còn phù hợp cho việc thực hiện quy trình mua sắm tiếp theo.

Tuyến đầu chống dịch Covid-19 được tôn vinh, xong bị kiểm điểm, điều tra - Ảnh 2.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu (đứng) đang báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội

Công tác nhập khẩu và các điều kiện thương mại diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 nên ảnh hưởng đến giá hàng hóa, tiến độ mua sắm, dẫn đến việc khan hiếm hàng hóa trên thị trường. Có đơn vị tổ chức đấu thầu nhưng không có nhà thầu nào tham gia.

Một số chủng loại trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch có tính đặc thù, không thông dụng. Có những loại thiết bị đơn vị chưa sử dụng bao giờ nên rất khó khăn trong việc xây dựng cấu hình, thông số kỹ thuật…

Việc thực hiện các văn bản quy định về mua sắm cũng gặp khó nên dẫn đến việc chậm muộn hoặc có những trang thiết bị không thể mua được.

Từ đó, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu đề nghị các cơ quan chức năng hoàn thiện chính sách, khung pháp lý trong công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế nhằm mua được hàng hóa có chất lượng với giá cả hợp lý (thay cho mục tiêu mua được hàng hóa giá rẻ nhất). Đặc biệt có quy định, hướng dẫn cụ thể trong trường hợp phòng, chống dịch như dịch Covid-19.

Ngoài ra, ông Châu cho rằng, khi thanh, kiểm tra công tác mua sắm, nhất là mua sắm phục vụ phòng, chống dịch cần xem xét bối cảnh thực tế trong giai đoạn dịch Covid-19 và tinh thần của Nghị quyết số 30 năm 2021 của Quốc hội. Khi xem xét, đánh giá, xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần dựa vào Kết luận số 14 ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung".

"Những đơn vị đi đầu, được tôn vinh trong chống dịch Covid-19, nay bị kiểm điểm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì đang phải thực hiện kiểm điểm, thậm chí là làm việc với cơ quan điều tra. Bản thân tôi lúc đó là Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng phải làm kiểm điểm", TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng cho rằng, trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 năm 2021, HCDC tham gia đấu thầu rất nhiều. Vừa rồi, HCDC buộc phải kiểm điểm những người được giao nhiệm vụ đấu thầu cho đúng tiến độ... "Qua đây, mong có kiến nghị xem xét những sai sót không cố tình trong hoàn cảnh "thời chiến", xử lý có lý có tình", bác sĩ Hồng Tâm kiến nghị.

Vô vàn tình huống phát sinh không thể lường hết

Trả lời các tâm tư trên, bà Nguyễn Thúy  Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết năm 2022, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã giám sát tại một số địa phương và đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết 80 (9.1.2023) về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đế 31.12.2024.

Trong báo cáo, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội có nêu: Trên thực tế, công tác phòng chống đại dịch Covid-19 là một cuộc chiến với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Qua giám sát, các địa phương phản ánh có vô vàn tình huống phát sinh, khó khăn không thể lường hết, phần lớn là cơ sở nơi tâm dịch, các lực lượng nơi tuyến đầu. Cơ quan chức năng đã áp dụng và triển khai xử lý hầu hết các phát sinh đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ cao nhất là bảo đảm sinh mạng người dân trước hết và trên hết.

Báo cáo cũng nêu, Nghị quyết 30 (ngày 28.7.2021) của Quốc hội cho phép Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định... để đáp ứng yêu cầu cấp bách chống dịch Covid-19 về áp dụng cơ chế đặc thù, đặc biệt trong cấp phép lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất. Mua sắm với số lượng cao hơn với nhu cầu thực tế để dự phòng dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã thực hiện các biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù tại từng thời điểm phòng chống dịch Covid-19. Nhưng sau đó quá trình thanh tra, kiểm tra đã chưa xem xét các yếu cố cấp bách, tính nghiêm trọng của tình huống mà chỉ áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, trong điều kiện bình thường để đối chiếu, xem xét, xử lý gây ra tâm lý hoang mang của cán bộ nhân viên, nhất là nhân viên y tế…

Nghị quyết 80 của Quốc hội, tại khoản 3, Điều 5 có nêu rõ: Đối với các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện theo các quy định, chính sách, hình thức văn bản ban hành theo Nghị quyết 30 thì khi thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh toán, quyết toán và các hoạt động thi hành pháp luật khác cần được đối chiếu, áp dụng theo các quy định, đặc thù quy định tại Nghị quyết 30.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.