Những biến tấu cách tân trang phục, phụ kiện truyền thống đang trở thành trào lưu thời trang trong giới trẻ.
Bạn gái Lào diện váy truyền thống khi đi chơi - Ảnh: Kim Nga |
Là nhóm trưởng của đoàn đại biểu Myanmar tham dự Hội nghị các nước tiểu vùng sông Mê Kông tổ chức tại Thái Lan, May Phue gây ấn tượng mạnh mẽ bởi sự duyên dáng, tự tin. Điều khiến cô gái trẻ nổi bật chính là nhờ trang phục dân tộc độc đáo của đất nước mình. Cùng với Phue, những bạn trẻ trong đoàn cũng có đồng phục tương tự, và có thể áp dụng rất linh hoạt cho mọi lịch trình hoạt động từ nghiêm túc đến thoải mái.
“Nước mình có 8 nhóm dân tộc chính, nên có hẳn 8 kiểu trang phục truyền thống, bao gồm: kachin, kayer, kayin, chin, burma, mon, rakhine và shane. Mình mặc burma nhưng cũng có thể mặc các kiểu khác. Nữ thì mặc áo eain chi và váy lone gyi, nam thì trên eain gyi, dưới pa soe. Thường thì trang phục truyền thống dành cho đám cưới hay lễ hội, thế nhưng hiện bạn gái nước mình có thể mặc trong nhiều dịp khác nhau, như đi làm, đi chơi, đi học…”, Phue chia sẻ.
Phue khẳng định việc phối các loại trang phục này nên tùy thuộc vào tính chất sự kiện mà bạn gái tham dự. Phue cũng chia sẻ điều khiến cho giới trẻ nước cô yêu thích mặc trang phục truyền thống trong đời thường là bởi nó gắn liền với cuộc sống, và bản thân đồng phục của chính phủ cũng được cách điệu từ đó. Những chiếc áo truyền thống được phối vô cùng tinh tế, đôi khi với cả quần jeans, quần short, quần tây, các kiểu váy, vest, đầm hoặc phụ kiện đa dạng như giày, túi xách, khăn choàng, mắt kiếng… theo sở thích.
Họa tiết thêu tay truyền thống đang lên ngôi
|
“Cơn sốt” mặc đồ truyền thống cách điệu, biến tấu không chỉ có ở Myanmar mà còn lan sang Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc hay Nhật Bản, nhất là VN thời gian qua. Rộ lên trào lưu mặc áo dài, bà ba, yếm cách tân, nhiều bạn gái cũng không ngại diện đồ cách điệu từ hanbok của Hàn Quốc hay kimono Nhật, thậm chí sườn xám của Trung Quốc. Xu hướng này cũng kéo theo sự trở lại của hàng loạt loại hình thủ công truyền thống như thêu tay (bằng chỉ hoặc ruy băng), điêu khắc gỗ (trên giày hoặc trang sức)… Không chỉ vậy, việc kết cườm, hạt chì, vẽ sáp ong, dệt thổ cẩm... trên trang phục, đồ dùng của đồng bào các dân tộc miền núi cũng được vận dụng triệt để. Sự phá cách cũng được các tín đồ thời trang thử nghiệm và nhận được phản hồi tích cực.
“Thật ra nó không khó mặc như nhiều người nghĩ. Đồ truyền thống mang hơi thở lịch sử, nhưng nếu có thể gắn với cuộc sống hiện đại thì càng tốt”, Thúy Anh, du học sinh Thụy Sĩ cho biết.
Theo Lê Tú, phụ trách cửa hàng The House of Saigon (THOS) gần chợ Bến Thành, TP.HCM, thì đồ truyền thống cách điệu của VN không chỉ hút giới trẻ trong nước mà còn rất “được lòng” du khách nước ngoài.
“Ngoài áo dài, các loại áo với phần cách điệu từ chất liệu mộc, tự nhiên như: linen (vải lanh), canvas (thô bố), cotton, gai hay lụa tơ tằm, hoa văn thêu truyền thống như sen, chuồn chuồn, cúc… cũng được yêu thích. Túi xách cũng theo tiêu chí trên, càng đơn giản càng tốt, vì có thể sử dụng trong nhiều hoàn cảnh”, Tú nhận định.
“Tùy màu sắc và thiết kế sẽ hút khách ở độ tuổi khác nhau, nhưng chủ yếu là từ 25 - 50 tuổi, do nhóm này có khả năng chi trả cho những món hàng độc đáo với giá cao. Giá trung bình khoảng trên 500.000 đồng cho áo quần còn phụ kiện thời trang thì trên 350.000 đồng do nguyên liệu đắt (tự nhiên), ý tưởng thiết kế độc đáo. Ví dụ như thêu thì phối như thế nào với kiểu áo, phối màu áo với màu chỉ nào, cộng thêm công thêu”, Tú cho biết.
Ngoài ra, nhiều bạn trẻ cũng cho rằng, đồ truyền thống biến tấu cũng là một cách hay để giới thiệu nghệ thuật thủ công cũng như sự khéo léo, sáng tạo của người VN đến giới trẻ trong và ngoài nước.
Bình luận (0)