'Con tin' của mạng xã hội

Mai Hà
Mai Hà
18/11/2021 04:25 GMT+7

Nếu tìm kiếm từ khóa “cách khởi kiện khi bị bôi nhọ, vu khống trên Facebook ”, bạn sẽ thấy có gần 170.000 kết quả với những hướng dẫn tỉ mỉ đến cả mẫu đơn tố cáo hay các hình thức xử phạt.

Song thực tế có bao nhiêu người dám đứng đơn khởi kiện khi bị bôi nhọ trên mạng xã hội, bao nhiêu vụ đã chính thức được tòa xử? Con số này tại Việt Nam có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay!

Dễ dãi lập tài khoản, dễ dãi hùa theo, cổ vũ cho những thánh chửi, những kênh livestream “bóc phốt” tùy tiện vô căn cứ. Tấm màn ảo của mạng xã hội đang che đậy cho những màn ném đá tập thể lệch lạc mà không cá nhân nào cảm thấy tội lỗi hay phải chịu trách nhiệm.

Càng chửi bới càng nổi tiếng, càng làm những trò lố lăng càng lắm người ủng hộ, ngôi sao càng “hot” bị bóc phốt càng được quan tâm, có những buổi livestream chỉ với mục đích bóc phốt dù không biết độ xác thực đúng sai bao nhiêu cũng thu hút kỷ lục cả triệu người xem cùng lúc. Thậm chí khi viết bài về tình trạng này, trang web, fanpage của Báo điện tử VOV cũng bị tấn công, nhân vật trả lời phỏng vấn, phóng viên bị nhắn tin đe dọa, thóa mạ...

Mạng xã hội là ảo, nhưng hậu quả những cuộc ném đá là thật. Câu hỏi đặt ra là chế tài chưa đủ nghiêm hay có chế tài nhưng cơ quan quản lý chưa mạnh tay xử lý?

Theo điều 155 bộ luật Hình sự, hành vi làm nhục người khác trên Facebook có mức độ nghiêm trọng có thể bị xử về tội “làm nhục người khác” với mức phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng hoặc phạt tù đến 2 năm. Người bị làm nhục, xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm có thể trình báo đến cơ quan công an nơi cư trú để điều tra làm rõ.

Theo luật, để bảo vệ bản thân khi bị bôi nhọ trên mạng xã hội, nạn nhân cần có đủ chứng cứ để trình báo với cơ quan công an. Song đó là trong trường hợp đối tượng có tên tuổi, danh tính thực trên Facebook. Thực tế, có rất nhiều trang web, fanpage ẩn danh được lập ra với mục đích bôi nhọ, vu khống, tung tin giả về cá nhân hay tổ chức. Những thông tin thiếu căn cứ được chia sẻ tràn lan, nhưng lại rất khó để truy ra nguồn gốc thực sự khiến nạn nhân không thể tố cáo, hoặc nếu có tố cáo thì “chờ được vạ, má đã sưng”.

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng thường xuyên kêu gọi làm sạch không gian mạng. Theo ông, nhiều khoảng trống đang tồn tại trên không gian mạng và đang bị lợi dụng. Rất nhiều cá nhân và tổ chức đang bị tổn thương mà “nỗi đau này trách nhiệm đầu tiên, trước hết thuộc về Bộ TT-TT”.

Tuy nhiên, làm sạch không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của các bộ quản lý chuyên ngành, mà nhìn rộng hơn, là trách nhiệm của chính cá nhân mỗi người sử dụng. Hãy tỉnh táo trong mỗi nút like, share, đừng biến mình thành “con tin” của mạng ảo. Nếu không, hôm nay là người ném đá, rất có thể ngày mai bạn và người thân lại trở thành nạn nhân của những cuộc đấu tố trên mạng. Còn về phía cơ quan quản lý, để bảo vệ người dân, cần xử lý nghiêm, thậm chí khởi tố những vụ việc nóng, để răn đe chấn chỉnh và thiết lập lại các tiêu chuẩn cần thiết trên không gian mạng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.