Con trai John Lennon bán đấu giá những kỷ vật của The Beatles

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
26/01/2022 08:43 GMT+7

Julian, con trai của John Lennon đang bán đấu giá những kỷ vật liên quan đến ban nhạc huyền thoại The Beatles, theo Reuters .

Kỷ vật của The Beatles bán đấu giá lần này có ba cây đàn guitar của John Lennon, bản ghi chú viết tay bài hát ra đời năm 1968 Hey Jude của Paul McCartney nhưng không phải phiên bản vật lý. Giá khởi điểm cho các kỷ vật này là 50.000 USD.

Con trai John Lennon - Julian Lennon

REUTERS

Thay vào đó, cuộc đấu giá bán theo định dạng NFT (sử dụng công nghệ blockchain để ghi lại việc sở hữu tệp kỹ thuật số gồm hình ảnh, video, văn bản…), một loại tài sản kỹ thuật số. Người thắng cuộc có thể yêu cầu quyền sở hữu một tệp kỹ thuật số được mô tả là “bộ sưu tập âm thanh/hình ảnh”, trong đó Julian Lennon kể lại một “kỷ niệm chân thành về cha mình”.

Ca sĩ, nhạc sĩ, nhà văn Julian Lennon nói: “Tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn khi được sống trong thời đại mà sự đổi mới cho phép tôi chia sẻ những mảnh ghép cá nhân như vậy về lịch sử gia đình Lennon của mình. Thông qua bộ sưu tập NFT này, tôi có thể cấp quyền truy cập độc quyền vào các mặt hàng đặc biệt mà tôi trân trọng và tiếp nối di sản của cha tôi theo một cách mới”.

Cây đàn guitar của John Lennon

REUTERS

Mặc dù NFT đôi khi được bán cùng với các phiên bản vật lý, như một loại chứng chỉ kỹ thuật số về tính xác thực, nhưng việc sở hữu NFT không mang lại quyền sở hữu đối với sản phẩm vật lý. Tuy nhiên, doanh số bán hàng NFT đang bùng nổ, trở nên phổ biến khi các tác phẩm nghệ thuật được bán với giá hàng triệu USD.

Trong trường hợp này, người mua NFT của The Beatles sẽ không nhận được một cây đàn guitar hoặc bản ghi chú bài hát thật. Những gì họ sẽ nhận được là một đơn vị ghi dữ liệu blockchain mà ví tiền điện tử của họ sở hữu một NFT được liên kết với tệp kỹ thuật số hiển thị mặt hàng.

Vì vậy, đối với bản ghi chú ca khúc Hey Jude, thể hiện những nét chữ nguệch ngoạc của Paul McCartney, người mua sẽ nhận được một NFT hình ảnh nam danh ca “được làm sống động thông qua tường thuật độc quyền của Julian Lennon”, trang web đấu giá ghi rõ.

Bản ghi chú viết tay bài hát ra đời năm 1968 Hey Jude của Paul McCartney

REUTERS

Việc bán đấu giá còn bao gồm một NFT đại diện cho hình ảnh chiếc áo khoác mà John Lennon đã mặc trên trường quay bộ phim Magical Mystery Tour năm 1967 và một NFT là hình ảnh chiếc áo choàng đen mà ông mặc trong bộ phim Help! năm 1965. Giá ban đầu cho hai kỷ vật này lần lượt là 8.000 và 6.000 USD.

Sự quan tâm ngày càng gia tăng của công chúng đối với tài sản tiền điện tử đã khiến các nhà đấu giá truyền thống như Christie's tham gia vào việc bán NFT. Phiên đấu giá lần này do Julien's Auctions và YellowHeart NFT điều hành, kết thúc vào ngày 7.2 tới.

Hồ sơ tham dự phiên đấu giá có thể đặt trực tuyến hoặc tại Beverly Hills (California, Mỹ). Thanh toán được chấp nhận bằng nhiều loại tiền điện tử khác nhau bao gồm Bitcoin, Ethereum và Dogecoin.

Một phần tiền thu được từ đấu giá sẽ quyên góp cho tổ chức White Feather Foundation được con trai của John Lennon – thủ lĩnh của The Beatles viết trên Twitter nhằm “bù đắp” lượng khí thải carbon liên quan đến cuộc đấu giá. Công nghệ blockchain sử dụng cho NFT và tiền điện tử bị dư luận chỉ trích vì lượng khí thải carbon lớn khi vận hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.