‘Con trai là người tình kiếp trước của mẹ’ có thật không?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
28/05/2022 14:31 GMT+7

Sau phát ngôn gây tranh cãi của diễn viên Cao Thái Hà có nội dung liên quan đến câu “Con gái là người tình kiếp trước của cha”, nhiều người thắc mắc, rằng câu: ‘Con trai là người tình kiếp trước của mẹ’ thì sao, có thật không?

Xin thưa, câu ‘Con trai là người tình kiếp trước của mẹ’ không mới, cư dân mạng, đặc biệt là Trung Quốc, đã bàn từ lâu. Trên trang Bách khoa thư Baidu có diễn đàn thảo luận câu 女儿是爸爸前世情人 (Con gái là người tình kiếp trước của cha) từ năm 2018, còn những trang Trung văn khác lại bàn đến câu “đối trọng” là “Con trai là người tình kiếp trước của mẹ’.

Cả hai câu này đều nằm trong phạm trù “Phức cảm Oedipus” (Oedipus complex) của nhà tâm lý học Áo Sigmund Freud, một thuật ngữ mà người Pháp gọi là Le complexe d'Œdipe.

Ảnh minh họa thần thoại Oedipus trong vở kịch Oedipus the King của Sophocles

T.L

Vài trang của Đại bảo tích kinh (大宝积经) từ Bảo tàng tư liệu ở Trung Quốc

bodhi.takungpao.com

Từ chuyện người anh hùng Oedipus trong thần thoại Hy Lạp

Theo Bách khoa toàn thư Britannica, trong lý thuyết phân tâm học, phức cảm Oedipus là mong muốn có quan hệ tình dục với cha/mẹ khác giới và đồng thời có cảm giác ganh đua với cha/mẹ cùng giới; một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển bình thường của trẻ.

Sigmund Freud đã đưa ra khái niệm này trong cuốn Giải mộng (Interpretation of Dreams), nguyên tác tiếng Đức: Die Traumdeutung (1899). Thuật ngữ này bắt nguồn từ người anh hùng Oedipus trong thần thoại Hy Lạp, người đã vô tình giết chết cha mình và kết hôn với mẹ mình; tương tự đối với người nữ là phức cảm Electra (Electra complex) – một phức cảm được đặt theo tên của Electra, cũng là nhân vật thần thoại, người đã giết mẹ cô. Phức cảm Electra là sự cạnh tranh tâm lý của một cô gái với người mẹ để chiếm hữu cha cô.

Theo Freud, truyền thuyết Oedipus là câu chuyện kể về một phức cảm tâm linh phổ quát. Trong thần thoại Hy Lạp, Oedipus là con trai của vua Laius và hoàng hậu Jocasta ở Thebes. Có nhà tiên tri bảo rằng Oedipus sẽ giết cha và kết hôn với mẹ ruột, điều này sẽ mang lại tai họa cho thành phố.

Để ngăn cản lời tiên tri này vua Laius sai một người hầu chăn cừu bỏ mặc cho Oedipus chết trên sườn núi. Tuy nhiên, người chăn cừu thương hại đứa bé nên giao nó cho một người chăn cừu khác, người này giao Oedipus cho vua Polybus và hoàng hậu Merope nuôi nấng như con của họ.

"Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Tình mẫu tử luôn thiêng liêng và vĩ đại từ bao đời nay

QUỲNH TRÂN

Về sau Oedipus biết lời tiên tri này nhưng không biết nguồn gốc thực sự của mình nên nghĩ rằng mình sẽ giết Polybus và kết hôn với Merope, vì vậy đã bỏ đến Thebes. Trên đường đi, Oedipus cãi vã với một người đàn ông lớn tuổi rồi giết người này mà không ngờ đó là vua Laius. Sau đó Oedipus giành được ngai vàng, kết hôn với vợ nhà vua là Jocasta, người mẹ ruột mà anh không hề hay biết.

Sigmund Freud đã dựa vào câu chuyện trên để đặt tên cho phức cảm Oedipus, lý giải rằng trẻ có ham muốn đối với cha/mẹ khác giới và căm ghét đối với cha/mẹ đồng giới. Tuy đây là quan điểm phân tâm học của phương Tây, song riêng về ý này thì trùng khớp với kinh Phật phương Đông.

Trong Đại bảo tích kinh (大宝积经), tập 56, phần viết về Phật thuyết nhập thai tạng hội (佛说入胎藏会), tức lời Phật giảng về việc vào thai mẹ có đoạn: “nếu là con trai thì thương mẹ, hận cha, là nữ thì thương cha, căm thù mẹ. ”(CBETA (Hiệp hội kinh điển điện tử Phật giáo Trung Quốc), T11, số 310, tr. 328, b16-20) .

Trong tác phẩm Giải mộng (Interpretation of Dreams),Sigmund Freud đã giải thích rõ về phức cảm Oedipus

perlego.com, amazon.com

Trong kinh này, Đức Phật giải thích cho người em trai của Ngài là Nan Đà (难陀) về quá trình chúng sinh đi vào tử cung và sự lớn lên của bào thai trong bụng mẹ. Phật cho biết “Vợ chồng là duyên, nghiệp lành, nghiệp ác, có ân thì trả, con cái là nợ, có nợ thì đòi nợ, không có nợ sẽ không đến”. Điều kiện cần thiết để luân hồi là "cha mẹ và con cái có nghiệp báo tương sinh trước khi vào lòng mẹ", nghĩa là phải có nhân duyên từ kiếp trước.

Vậy, phải chăng ta có thể lý giải câu ‘Con trai là người tình kiếp trước của mẹ’ bằng phức cảm Oedipus và thuyết luân hồi của Phật giáo?. (Còn tiếp).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.