Câu 'Con gái là người tình kiếp trước của cha' đang gây bão dư luận có từ đâu?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
25/05/2022 21:32 GMT+7

Hiện nay câu “Con gái là người tình kiếp trước của cha” đang là tâm bão dư luận sau phát ngôn gây tranh cãi của diễn viên Cao Thái Hà . Không ít người phản đối, cho rằng câu này làm hại đến luân lý của người Việt nhưng ít ai biết nguồn gốc xuất xứ.

Trước tiên, cần nói rằng “Con gái là người tình kiếp trước của cha" là câu ngoại nhập, thể hiện quan điểm của nước ngoài chứ không phải của người Việt. Có nhiều cách giải thích nguồn gốc của câu này.

"Tình cha ấm áp như vầng thái dương..."

T.L

Trên mạng Trung văn, nhiều người cho rằng đây là câu tục ngữ của Trung Quốc: “Nữ nhi thị phụ thân tiền thế tình nhân”(女兒是父親前世情人) – một câu xuất hiện trong nhiều sách và trang mạng Trung văn từ năm 2000 đến nay. Có người lại khẳng định đây là câu của William Makepeace Thackeray (nhà văn Anh thế kỷ 19), rất tiếc là không dẫn chứng cứ liệu cụ thể.

Không phù hợp với tâm lý của đa số người Việt

Song chắc chắn rằng đây là một câu nổi tiếng, phổ biến nhiều nơi trên thế giới, vì có thể tìm thấy câu tiếng Anh tương ứng trong nhiều tài liệu, ví dụ: “It was said that a daughter was her father's lover in his past life” (Người ta nói rằng con gái là người tình kiếp trước của cha) – trích chương 1236, tập 9 của bộ sách Tình yêu trừng phạt (Punished by His Love) của Suzie. NXB Singapore New Reading Technology Pte Ltd.

Xét về tâm lý học, câu “Con gái là người tình kiếp trước của cha” chứa đựng “phức cảm Electra” (Electra complex). Khái niệm này do Carl Jung đề xuất trong Lý thuyết Phân tâm học (Theory of Psychoanalysis) của Sigmund Freud.

Phức cảm Electra có nguồn gốc từ thần thoại Hy Lạp cổ đại. Electra được cho là con gái của Agamemnon và Clytemnestra. Mẹ cô, Clytemnestra, ngoại tình và sợ chồng trừng phạt khi phát hiện ra, bà đã giết ông ấy. Sau khi cha cô bị giết, Electra giao em trai của cô cho người bạn tốt của cha cô nuôi dưỡng, khi em trai cô lớn lên, cô và em trai của mình đã cùng nhau sát hại người mẹ và nhân tình của mẹ để trả thù cho cha cô.

Phức cảm Electra là sự cạnh tranh tâm lý của một cô gái với người mẹ để chiếm hữu cha cô. Trong quá trình phát triển tâm lý của cô ấy, sự phức cảm này thường trong giai đoạn thực thể của cô gái (từ 3 – 6 tuổi).

Câu “con gái là người tình kiếp trước của cha” xuất hiện ở chương 1236, tập 9 của bộ sách Tình yêu trừng phạt (Punished by His Love) của Suzie

docer.com.ar

Nhà tâm lý học Áo Sigmund Freud đã phân tích điều này, cho thấy sự phát triển các khía cạnh phụ nữ trong lý thuyết phát triển tình dục (sexual development theory) của ông — mô tả động lực học tâm lý của sự cạnh tranh tình dục của một cô gái với mẹ cô ấy để chiếm hữu tình dục của người cha. Tuy nhiên, khi sắp xếp lại sự hấp dẫn giới tính của mình với cha mình (dị tính), cô gái kìm nén sự cạnh tranh phụ nữ thù địch, vì sợ đánh mất tình yêu của mẹ mình.

Nói cách khác, Freud đã mượn câu chuyện này để minh họa những đặc điểm tâm lý của phụ nữ. Ông tin rằng sự quan tâm trìu mến của cô gái dành cho cha mình đã ẩn sâu trong tiềm thức, với mong muốn là thay thế người mẹ. Từ đó nảy sinh câu “Con gái là người tình kiếp trước của cha”, dần dần lan rộng khắp nơi.

Trên thực tế, hầu hết các cô gái đều có kiểu phức cảm Electra này. Nếu cô gái nào đấy mất tình yêu của cha mình sớm, cô ấy thường chuyển tình cảm của cha mình cho một người trong thực tế, và nhân vật này sẽ trở thành người thay thế cha cô, song lại khác với cha cô.

Từ cổ chí kim, tình cha và con gái luôn thiêng liêng và ngọt ngào

MC Thảo Vân rất thẳng thắn cho biết chính kiến của mình

T.L

Nhìn chung, phức cảm Electra phổ biến trong nhiều nền văn hóa, xuất hiện trong một số thần thoại, cổ tích, tiểu thuyết viễn tưởng và kịch sân khấu … Nhà thơ Mỹ Sylvia Plath từng viết bài Cha ơi (Daddy, 1962) để nói về một người nữ đau khổ vì phức cảm Electra chưa được giải quyết này. Ludo, nhóm nhạc alternative (rock luân chuyển), đã trình làng album cùng tên có bài "Electra's Complex"...Tóm lại, còn nhiều tác phẩm khác trên thế giới cho thấy phức cảm Electra này.

Tuy nhiên, xin nhớ rằng, câu “Con gái là người tình kiếp trước của cha” có nguồn gốc nước ngoài, du nhập vào nước ta trong những năm gần đây. Vì lý do tế nhị, luân lý và giáo dục, xét thấy rằng câu này không phù hợp với tâm lý của đa số người Việt. Tốt nhất là nên hạn chế việc sử dụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.