Còn yêu Việt Nam sẽ còn yêu nghệ thuật cải lương

28/04/2019 06:22 GMT+7

'Chính vì cải lương xuất phát từ lòng yêu nước, ra đời trong hoàn cảnh người VN muốn có nghệ thuật của riêng mình, vì thế, ai còn yêu VN thì sẽ còn yêu nghệ thuật cải lương', đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc.

Đó là nhìn nhận của đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc, một trong những diễn giả của tọa đàm Tinh hoa cải lương với người trẻ VN, thuộc dự án Di sản kết nối của Hội đồng Anh, diễn ra hôm 26.4 tại Trường ĐH Hoa Sen, TP.HCM.
Sự trao đổi đầy hào hứng cũng như việc hàng trăm bạn trẻ tham gia buổi tọa đàm này cho thấy người trẻ không “hờ hững” với cải lương. Có bạn cho biết lý do đến dự vì muốn nghe NSƯT Phương Hồng Thủy từ Mỹ trở về hát, có người muốn biết phương pháp mà 2 nhà nghiên cứu văn hóa Hugo Frey, Suzy Joinson đến từ Trường ĐH Chichester (Anh) tiếp cận lịch sử cải lương trong hành trình di sản kết nối.
Và rất nhiều bạn muốn được tìm hiểu thêm về loại hình nghệ thuật truyền thống vừa kỷ niệm 100 năm này với những thắc mắc vì sao càng ngày giới trẻ VN càng mất đi những giá trị văn hóa mà lẽ ra các bạn đáng được nhận, liệu người trẻ (với kiến thức và chuyên ngành họ học từ lịch sử, khoa học xã hội, truyền thông…) sẽ được định hướng thế nào từ các cô chú làm nghề để có sự nhìn nhận đúng về giá trị của cải lương, hay có thể đóng góp được gì cho tinh hoa nghệ thuật cải lương? Bởi như một bạn bày tỏ “thực tế phũ phàng” rằng nhờ xem ca sĩ Tóc Tiên remix Dạ cổ hoài lang hay từ scandal Trấn Thành với vai diễn Tô Ánh Nguyệt mới tìm hiểu 2 vở này, khi đề cập việc làm mới cải lương thế nào để người trẻ dễ dàng tiếp cận…
Trước thắc mắc liên quan việc biết/hiểu cải lương, nghệ sĩ Phương Hồng Thủy cho rằng ở tuổi gần 60 như chị nhưng “nếu không muốn lạc hậu hay bị cho là già hổng biết gì thì mình phải lên internet hay tìm nhiều nguồn tư liệu để biết, hiểu những gì mình cần, muốn”.
Vì vậy không có lý do gì khiến các bạn trẻ muốn nghe/yêu cải lương lại tự hạn chế kiến thức của mình.
Chia sẻ những ý kiến lẫn “nỗi niềm” của các bạn trẻ, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc cho rằng cải lương hay loại hình gì cũng vậy, nếu đã không yêu thì đừng sờ vào vì “đâu ai có quyền la rầy hay ép các bạn phải yêu cải lương”.
Chị cũng nhắc lại cái gốc của cải lương, nói về đặc điểm “vừa đóng vừa mở” của cải lương từ khi ra đời đã gắn với “cải cách hát ca theo tiến bộ, lương truyền tuồng tích sánh văn minh”, giải thích vì sao nghệ thuật này của miền Nam nhưng lan tỏa toàn quốc.
Theo chị: “Chính vì cải lương xuất phát từ lòng yêu nước, ra đời trong hoàn cảnh người VN muốn có nghệ thuật của riêng mình, vì thế, ai còn yêu VN thì sẽ còn yêu nghệ thuật cải lương”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.