Ngày 6.12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Củ Chi (TP.HCM) khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Minh Phúc (người tự xưng là "sư thầy Thích Tâm Phúc", 40 tuổi, thường trú xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Những lùm xùm liên quan nhà sư giả ‘Thích Tâm Phúc’ trước khi bị bắt
Sau vụ người tự xưng là "sư thầy Thích Tâm Phúc" bị bắt, Công an TP.HCM cảnh báo, trong thời đại 4.0 như hiện nay, rất nhiều người sử dụng mạng xã hội để câu like, câu view… Nhiều người lợi dụng lòng tin vào tôn giáo để làm điều trái đời, ngược đạo gây ảnh hưởng xấu đến uy tín trong tôn giáo và vi phạm pháp luật.
"Một số người lợi dụng tính cách, lối sống của ông Phúc, nên xúi giục ông này phát ngôn, hành động đi ngược với tư cách và quy định của tu sĩ tôn giáo nhằm thu hút người xem, tăng tương tác cho tài khoản mạng xã hội như YouTube, TikTok...", Công an TP.HCM cho biết.
Từ đó, Công an TP.HCM đề nghị người dân phải thật cẩn thận để không góp phần tiếp tay cho tội phạm, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.
Thời gian vừa qua, ông Phúc gây ồn ào trên mạng xã hội vì tự xưng là nhà sư, tự tu ở nhà. Ngoài ra, ông Phúc được nhiều YouTuber quay các đoạn clip mặc áo nhà sư nhưng nói năng thiếu văn hóa gây sốc dư luận, chửi hàng xóm, ăn thịt chó, trứng lộn...
Những clip này được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội trong và ngoài nước, thu hút hàng triệu lượt xem, cùng theo đó là nhiều phản ứng trái chiều.
Chưa hết, ở trên mạng xã hội, ông Phúc còn xưng là "trụ trì chùa Hoằng Pháp Trung ương ở Củ Chi". Ông Phúc còn nổi lên với tên "thầy chùa ăn thịt chó".
Xem nhanh 12h ngày 7.12: Chân tướng sư giả ‘Thích Tâm Phúc’ | Trang Nemo xin hoãn thi hành phạt tù
Bằng khen giả, tự xưng tu sĩ
Công an TP.HCM cho biết, từ năm 2000 đến năm 2010, ông Phúc tu học tại chùa Hoằng Pháp (H.Hóc Môn) và chỉ mới làm lễ quy y, chưa xuất gia.
Đến năm 2010, ông Phúc về lại địa phương tự lập chùa "Ngộ Chân Tử" để sinh hoạt tôn giáo trái phép và bị cơ quan chức năng yêu cầu tháo biển hiệu, không được sinh hoạt tôn giáo trái phép.
Sau đó, ông Phúc tiếp tục lập 6 công ty để ngụy trang, lợi dụng danh nghĩa chùa để vận động, quyên góp gây quỹ không đúng mục đích. Tất cả các công ty đều không có hoạt động sản xuất, kinh doanh và bị Sở KH-ĐT TP.HCM thu hồi tất cả các giấy phép.
Năm 2019, công an kiểm tra phát hiện nơi ông Phúc ở có treo huân chương lao động và các bằng khen, 3 con dấu có hình chùa cổ và tiếng nước ngoài.
Công an tiến hành xác minh và xác định, các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cấp cho tập thể và cá nhân ông Nguyễn Minh Phúc không có trong danh sách khen thưởng lưu trữ tại Ban Thi đua - khen thưởng, các trường hợp được khen thưởng không có tên ông Phúc.
Các giấy tờ như huân chương, bằng khen đều được xác định là giả và ông Phúc dùng để tự xưng tu sĩ.
Ông Phúc khai với cơ quan chức năng mình được người khác tặng và treo trong nhà. Công an H.Củ Chi đã thu hồi và xử lý vi phạm hành chính đối với ông Phúc.
Theo công an, nơi ở của ông Phúc ở ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung cũng là nhà để ở, không phải cơ sở thờ tự tôn giáo, không có cơ sở tôn giáo nào gọi là "chùa Hoằng Pháp Trung ương".
Đến tháng 4.2022, ông Phúc lại gây chú ý vì mặc trang phục cử nhân, cầm bằng tốt nghiệp của Trường đại học Luật TP.HCM. Trường đại học Luật TP.HCM thông tin cho thấy ông Phúc đến chúc mừng một sinh viên trong trường rồi thuê đồ của người chụp ảnh dạo bên ngoài để chụp ảnh.
Đến tháng 7.2023, sau khi thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc ông Phúc mặc áo nhà sư vào một quán nhậu để dự sinh nhật đệ tử, Công an Q.Gò Vấp (TP.HCM) đưa ông Phúc và những người khác về trụ sở kiểm tra. Ông Phúc được xác định không sử dụng chất kích thích nên được cho về.
Bị khởi tố vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu giả
Trong vụ án Nguyễn Minh Phúc bị khởi tố bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, Công an H.Củ Chi xác định, bị hại trong vụ án này là bà Lê Thị Hồng T. (50 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM). Năm 2021, bà T. có mua một thửa đất có diện tích 420,3 m2 tại địa chỉ xã Bình Mỹ, H.Củ Chi của ông N.V.T và bà N.T.C.N làm chủ với giá 2,4 tỉ đồng nhưng chưa làm thủ tục tách thửa được.
Ngày 7.10.2022, bà T. thông qua Lê Văn Vinh (33 tuổi, ngụ H.Củ Chi) giới thiệu và quen biết ông Phúc để nhờ làm thủ tục tách 1 thửa đất thành 2 thửa đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng thì Phúc đồng ý.
Thực tế, Phúc không có chức năng để làm thủ tục tách thửa đất và cũng không có mối quan hệ nào để có thể làm thủ tục tách thửa đất. Nhưng do Phúc có quen biết và nhiều lần thuê người làm giấy tờ giả, bằng cấp giả để tạo lòng tin tôn giáo nhằm lừa đảo người khác nên Phúc nhận làm, chi phí 135 triệu đồng, trong đó Phúc nhận trước 70 triệu đồng.
Để thực hiện phi vụ này, Phúc thuê làm 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả trên ứng dụng xã hội. Khi Phúc nhận được 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả thì đưa cho bà T. một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả. Phúc cất giữ một giấy chứng nhận giả và một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật của bà T., đợi bà T. đưa 65 triệu đồng còn lại mới đưa.
Khi hành vi của Phúc bị phát hiện, Phúc trốn sang Thái Lan. Ngay khi Phúc vừa về lại Việt Nam, Công an H.Củ Chi đã triệu tập Phúc làm việc.
Sau nhiều lần quanh co chối tội thì Phúc đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như trên. Khám xét khẩn cấp nhà của Phúc, công an thu giữ 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả và 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật của bà T.
Hiện Công an H.Củ Chi đang điều tra mở rộng vụ án liên quan đến người tự xưng thầy Thích Tâm Phúc.
Bình luận (0)