Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội định kỳ vào chiều 3.8.2023, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM đã thông tin về tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp.
Công an TP.HCM: ‘Nhiều nơi trốn đóng bảo hiểm, né tránh nghĩa vụ với người lao động’
Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trốn đóng bảo hiểm gồm ý thức chấp hành của một số doanh nghiệp chưa cao; nhận thức của người lao động còn hạn chế, tâm lý sợ mất việc nên không dám đấu tranh đòi quyền lợi và cuối cùng là do suy thoái kinh tế, dịch bệnh Covid-19 khiến doanh nghiệp khó khăn, làm ăn thua lỗ, phá sản nên không có kinh phí đóng bảo hiểm cho người lao động.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM, nhận định: "Việc trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế không chỉ ảnh hưởng đến khả năng chi trả của ngành bảo hiểm mà hậu quả rõ ràng nhất là xâm phạm, ảnh hưởng đến người lao động".
Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, Công an TP.HCM đang xác minh, tiếp nhận, củng cố hồ sơ, tài liệu, chứng cứ để xử lý các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm. Dù vậy, quá trình xác minh, kiến nghị khởi tố liên quan hành vi trốn đóng bảo hiểm của ngành công an còn chậm.
Nguyên nhân do hồ sơ từ cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển giao cho cơ quan điều tra chưa đảm bảo giá trị pháp lý, gửi chứng cứ bản photo chứ chưa phải bản gốc. Hồ sơ chuyển giao không thể hiện hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội và các biện pháp cưỡng chế của cơ quan bảo hiểm xã hội đã áp dụng.
Bên cạnh đó, trong các kiến nghị khởi tố, nhiều hành vi trốn đóng bảo hiểm lần đầu chưa bị xử phạt hành chính nên chưa cấu thành yếu tố tội phạm. Công tác thanh tra, kiểm tra đã lâu, có những hồ sơ từ năm 2017.
Công an TP.HCM vạch trần thủ đoạn tinh vi của tín dụng đen
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM, thông tin thêm: "Nhiều doanh nghiệp không còn hoạt động, chuyển sang địa phương khác, thay đổi pháp nhân, tuyên bố phá sản để né tránh các nghĩa vụ với người lao động, gây khó khăn cho cơ quan điều tra khi xác minh, xử lý".
Cùng với đó, trong quá trình điều tra, nhiều đơn vị cung cấp hồ sơ, thông tin chậm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết.
Hiện, Ban giám đốc Công an TP.HCM đã giao các phòng nghiệp vụ đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc nếu có dấu hiệu hình sự.
Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM có hơn 82.000 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế với tổng số tiền hơn 6.200 tỉ đồng. Đáng chú ý, gần 29.500 doanh nghiệp chậm đóng từ 12 tháng trở lên với tổng số tiền gần 3.400 tỉ đồng.
Bình luận (0)