Mới đây, trên một mạng xã hội Facebook xuất hiện bài viết của tác giả Trần Ngọc Đông thu hút sự quan tâm của dư luận với nội dung: “Đau xót khi sắc phong của đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, H.Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bị đánh cắp năm 2021 và nhiều sắc phong của các làng xã Việt Nam được rao bán công khai trên mạng ở Trung Quốc. Sản phẩm được bán với hình thức đấu giá vào ngày 22.4.2023, với giá khởi điểm từ 2.800 - 3.500 nhân dân tệ (tương đương 10 - 12 triệu đồng)".
Ngay sau khi nhận được thông tin sắc phong của di tích lịch sử quốc gia đền Quốc Tế bị rao bán, ông Nguyễn Hồng Minh, Chủ tịch UBND xã Dị Nậu, cho biết, chính quyền xã đã gửi văn bản báo cáo đến UBND H.Tam Nông, để trình bày sự việc.
Cũng liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ, cho biết, tỉnh Phú Thọ đã có văn bản gửi các cấp liên quan để xác minh thông tin.
"Chúng tôi đã yêu cầu xác minh thông tin trang mạng rao bán sắc phong thật hay giả. Nếu thật thì chúng tôi đề xuất bằng con đường ngoại giao thông qua lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc có sự can thiệp, ngăn chặn nếu đó là tài sản của Việt Nam", ông Thủy nói và cho hay lực lượng Công an tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Bộ Công an thống nhất phương án xử lý.
Theo ông Thủy, đối với sắc phong tại đền Quốc Tế bị đánh cắp từ ngày 21.5.2021, kẻ gian đã phá két sắt lấy toàn sắc phong của đền, phía Công an H.Tam Nông đã lập hồ sơ để điều tra để tìm ra kẻ đánh cắp nhưng đến nay chưa tìm được dấu tích.
Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ cho rằng, nếu sắc phong được rao bán tại Trung Quốc là của đền Quốc Tế, thì đó là tài sản ăn cắp, những người liên quan đến việc ăn cắp chắc chắn là tội phạm sẽ được xử lý theo pháp luật của Việt Nam.
"Việc để mất sắc phong, trách nhiệm đầu tiên sẽ thuộc về ban quản lý khu di tích, mỗi di tích địa phương đều có trưởng ban quản lý và các thành viên, họ cần có tránh nhiệm trong việc bảo quản, giữ gìn những tài sản của di tích", ông Thủy nhấn mạnh.
Ông Thủy cho rằng, việc có thể đưa sắc phong trở về là câu chuyện cần phải bàn thảo giữa các bên để có phương án cụ thể đối với từng di vật mất cắp. Việc mua, chuộc lại những vật phẩm là hình thức xử lý khác, đối với sắc phong không thể mua như một “món hàng” bởi đó là giấy chứng nhận cho từng di tích, đặc biệt liên quan đến các quốc gia khác nhau.
Bình luận (0)