Công an xử phạt người đào 'cây gỗ chôn vùi dưới đất' có xác đáng?

Phan Thương
Phan Thương
18/07/2022 08:18 GMT+7

Tiến sĩ Cao Vũ Minh ( giảng viên Đại học Kinh tế - luật, Đại học Quốc gia TP.HCM) nêu một số ý kiến xung quanh việc công an xử phạt ông Lê Quang Nam 'chiếm giữ tài sản của người khác', khi ông Nam đưa cây gỗ đào được trong quá trình cải tạo ruộng về nhà.

Báo Thanh Niên ngày 16.7 phản ánh trường hợp ông Lê Quang Nam (trú tại TT.Sa Thầy, H.Sa Thầy, Kon Tum) đào được cây gỗ trong quá trình cải tạo ruộng đã bị Công an H.Sa Thầy xử phạt 4 triệu đồng về hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác”, theo điểm đ, khoản 2, điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Số gỗ ông Nam bỏ công đào lên từ dưới hố bùn sâu 6 m

ĐỨC NHẬT

Cơ quan công an buộc ông Nam phải trả lại cho Nhà nước 4 hộp gỗ xẻ có tổng khối lượng hơn 4,3 m3 và 6 tấm bìa gỗ, tất cả thuộc chủng loại gỗ phay, nhóm 6.

Về việc xử phạt vi phạm hành chính trên, Tiến sĩ Cao Vũ Minh (giảng viên Đại học Kinh tế - luật, Đại học Quốc gia TP.HCM) nêu ý kiến cần xem xét lại việc xử phạt của công an đối với ông Lê Quang Nam.

Đầu tiên, cần xác lập quyền sở hữu đối với cây gỗ

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản cụ thể trong những trường hợp đặc biệt.

Theo đó, Điều 228 quy định việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; Điều 229 quy định việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; Điều 230 quy định việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên.

Việc ông Nam phát hiện và tiến hành múc cây gỗ nằm sâu dưới bùn sâu lên được xác định là tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy theo Điều 229 Bộ luật dân sự năm 2015.

Ông Lê Quang Nam bị xử phạt về hành vi chiếm giữ tài sản của người khác

ĐỨC NHẬT

Cần khẳng định, đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy thì không đương nhiên thuộc quyền sở hữu của người tìm thấy. Do đó, ông Nam phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu. Trường hợp ông Nam không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

Tại thời điểm múc cây gỗ lên, ông Nam chắc chắn không biết chủ sở hữu của cây gỗ này. Do đó, ông đã đến UBND xã Sa Sơn trình báo sự việc và xin phép được đào cây gỗ trên để về làm đồ gia dụng. Thực tế, UBND xã Sa Sơn đã đến hiện trường xác minh, lập biên bản, xác định nơi phát hiện cây gỗ trên không phải đất rừng và cây gỗ này không xác định được thời gian, khối lượng cũng như nguồn gốc. Trong biên bản mà UBND xã Sa Sơn lập có ghi rõ ông Nam không được phép buôn bán, trao đổi thương mại.

Ngày 8.4, sau khi đào xong, ông Nam có gọi điện thông báo cho UBND xã Sa Sơn nhưng cho đến ngày 20.5 không thấy cơ quan chức năng đến xử lý, nghĩ rằng số gỗ không có giá trị nên ông Nam đã vận chuyển về xưởng gỗ để cưa xẻ làm đồ gia dụng.

Cây gỗ bị chôn vùi không đương nhiên thuộc sở hữu nhà nước

Như vậy, có thể thấy, việc ông Nam đào cây gỗ lên không phải là vi phạm pháp luật. Việc ông tạm giữ cây gỗ này cũng không phải vi phạm pháp luật bởi ông đã trình báo sự việc với UBND xã Sa Sơn nhưng UBND xã chưa có phương án xử lý. Vấn đề lấn cấn ở đây là hành vi tự ý cưa xẻ cây gỗ trên để làm đồ gia dụng mà thôi.

Hành vi tự ý cưa xẻ cây gỗ để làm đồ gia dụng rõ ràng không đúng theo quy định pháp luật bởi ông Nam chưa xác lập quyền sở hữu đối với tài sản này - tức không phải là chủ sở hữu của cây gỗ. Tuy nhiên, cây gỗ này cũng không đương nhiên thuộc về tài sản của nhà nước bởi muốn xác định đó là tài sản của nhà nước thì phải là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được quy định trong Luật di sản văn hóa.

Cây gỗ không phải là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia nên không đương nhiên thuộc về Nhà nước. Đối với những tài sản khác thì chỉ thuộc về tài sản nhà nước sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản và xác định phần giá trị mà người tìm thấy được hưởng.

Trong trường hợp này, cây gỗ chưa được xác định giá trị nên chắc chắn chưa trừ đi chi phí tìm kiếm, bảo quản và chắc chắn cũng chưa xác định phần giá trị mà người tìm thấy được hưởng. Vì những khiếm khuyết về mặt thủ tục đã nêu, thì không thể xem đây là tài sản của nhà nước.

Công an xử phạt không xác đáng?

Từ đây, có thể thấy, cây gỗ này không thuộc tài sản của người khác hay của nhà nước. Do đó, việc Trưởng công an H.Sa Thầy xử phạt ông Nam về hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác” theo điểm đ, khoản 2, điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP là không xác đáng.

Cần lưu ý “người khác” được nhắc đến trong quy định pháp luật trên chính là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản bị chiếm giữ. Do tại thời điểm hiện tại, cây gỗ không xác định được là tài sản hợp pháp của bất kỳ chủ thể nào nên không thể xử phạt ông Nam theo điều khoản trên. Ngoài ra, như đã nói, hành vi tạm thời quản lý tài sản trên của ông Nam cũng không phải là hành vi trái pháp luật, do đó, cũng không thỏa mãn dấu hiệu của hành vi trái pháp luật là “chiếm giữ”.

Ngoài ra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Công an H.Sa Thầy còn nhiều điểm sai nghiêm trọng khác...

Người dân có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định xử phạt sai

Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”.

Nếu nhận thấy quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với mình là chưa chính xác, ông Nam có quyền khiếu nại quyết định này hoặc có thể khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến vụ việc ông Nam đào được cây gỗ dưới ruộng nhưng bị xử phạt như trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.