Thực địa tại một số nơi đang trên đà thành “thủ phủ” của năng lượng tái tạo, như ở tỉnh Ninh Thuận, Bạc Liêu, có thể thấy đa số người dân đồng tình với sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, nhất là khi nó mang lại những lợi ích nhãn tiền.
Những tấm quang năng trải dài tầm mắt ở một nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận |
LÊ TRỌNG |
Đơn cử, tại Ninh Thuận - một vùng đất còn nghèo, phát triển nông nghiệp gặp nhiều khó khăn vì đặc trưng khí hậu khô nóng - làm điện mặt trời là hướng phát triển “thuận thiên”, tạo ra nhiều việc làm cho cư dân địa phương. Như theo nghiên cứu “Xây dựng tương lai công bằng ở VN bằng năng lượng mặt trời” của Viện Năng lượng (Bộ Công thương) và Tổ chức Oxfam vào thời điểm tháng 3.2021, một nhà máy điện mặt trời với công suất 50 MWp cần 300 công nhân lắp đặt trong khoảng từ 3 - 6 tháng; tạo ra 20 việc làm chính thức và cần nhiều lao động thời vụ... Đồng thời, khi xây nhà máy, chủ dự án cũng hỗ trợ nhiều mặt về phúc lợi xã hội cho địa phương như làm đường, lắp hệ thống chiếu sáng xung quanh khu vực nhà máy, hỗ trợ trang thiết bị trường học...
Còn tại tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, việc lắp điện mặt trời không chỉ giúp nhà nông giảm áp lực về chi phí tiền điện khi nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh mà còn tạo thêm thu nhập cho họ nhờ bán nguồn điện rỗi.
Tuy nhiên, song hành với những lợi ích đó là những băn khoăn. Đó là những sự vụ mâu thuẫn về bồi thường đất đai khi người dân buộc nhường đất canh tác cho quy hoạch dự án điện mặt trời. Câu chuyện liệu cơ chế nào sẽ mở ra để nông dân tự đầu tư trên mảnh đất của họ... Điều này cho thấy, việc xây dựng chính sách phải đủ tính bao trùm, bền vững, mà ở đây là phải tính đến quyền lợi hợp pháp của người dân - người bị ảnh hưởng trực tiếp khi mất đất canh tác cho quy hoạch các dự án về năng lượng tái tạo. Có như vậy, mọi sự phát triển mới đảm bảo bền vững.
Bình luận (0)