Công bố nghiên cứu mới về nguồn gốc Covid-19 từ dữ liệu của Trung Quốc

Văn Khoa
Văn Khoa
21/09/2024 14:01 GMT+7

Một nghiên cứu mang tính hợp tác quốc tế mới cung cấp danh sách các loài động vật hoang dã có mặt tại một khu chợ ở Trung Quốc, nơi virus gây Covid-19 rất có thể đã phát sinh vào cuối năm 2019.

Nghiên cứu nguồn gốc Covid-19 nói trên được dựa vào phân tích mới về dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC Trung Quốc) công bố, theo chuyên trang News Medical (Anh) ngày 20.9.

Dữ liệu này liên quan hơn 800 mẫu được thu thập từ ngày 1.1.2020 trong và xung quanh chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc và từ bộ gien virus được báo cáo từ những bệnh nhân mắc Covid-19 trong giai đoạn đầu của đại dịch. Nghiên cứu mới được đăng trên chuyên san Cell vào ngày 19.9.

Nghiên cứu mới xác định chính xác nguồn gốc Covid-19?

"Đây là một trong những bộ dữ liệu quan trọng nhất về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 còn tồn tại. Chúng tôi vô cùng biết ơn vì dữ liệu còn tồn tại và được chia sẻ", đồng tác giả Florence Débarre thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) cho hay.

Ngoài ra, đồng tác giả Michael Worobey thuộc Đại học Arizona (Mỹ) cho hay các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu cực kỳ quan trọng mà CDC Trung Quốc đã thu thập theo những cách mới. "Đây là một phân tích có căn cứ về dữ liệu đó và cho thấy nó giống với phần còn lại của bằng chứng khổng lồ mà chúng tôi đã có về việc đại dịch bắt đầu như thế nào", ông Worobey nhấn mạnh.

Cách CDC Trung Quốc lấy mẫu

Vào ngày 1.1.2020, sau khi các con vật được di dời và chỉ vài giờ sau khi chợ Hoa Nam đóng cửa, các nhà điều tra từ CDC Trung Quốc đã đến chợ để lấy mẫu. Họ lau sàn, tường và những bề mặt khác của các quầy hàng. Vài ngày sau, họ quay lại để tập trung vào các bề mặt trong các quầy bán động vật hoang dã, chẳng hạn như lồng và xe đẩy dùng để di chuyển động vật, đồng thời thu thập các mẫu từ cống rãnh.

Công bố nghiên cứu mới về nguồn gốc Covid-19 từ dữ liệu của Trung Quốc- Ảnh 1.

Hình ảnh phóng to tế bào nhiễm virus gây Covid-19 SARS-CoV-2 (vàng)

Ảnh: REUTERS

Họ đã thực hiện giải trình tự của các mẫu dùng metatranscriptomics, một kỹ thuật nhằm thu được tất cả các chuỗi ARN (và cũng có thể lấy ADN) từ tất cả các sinh vật có trong mẫu, gồm vi rút, vi khuẩn, thực vật và động vật.

Nhóm CDC Trung Quốc đã công bố dữ liệu và kết quả giải trình tự của họ vào năm 2023 trên tạp chí Nature. Tuy nhiên, bài báo đó vẫn chưa giải quyết được danh tính chính xác của các loài động vật được tìm thấy trong dữ liệu có thể đại diện cho vật chủ trung gian. CDC Trung Quốc đã chia sẻ dữ liệu giải trình tự của họ trên các kho lưu trữ mở.

Theo phân tích mới nhất về những dữ liệu nói trên được công bố trên chuyên san Cell, virus gây Covid-19 SARS-CoV-2 đã có mặt ở một số quầy hàng tại chợ Hoa Nam, trong đó có lửng chó và cầy hương. Trong một số trường hợp, vật liệu di truyền của SARS-CoV-2 và những động vật này thậm chí còn được tìm thấy trong cùng những mẫu thu được. Các loài động vật chính xác đã được xác định bằng cách kiểm tra bộ gien ty thể của chúng trong các mẫu.

Công bố nghiên cứu mới về nguồn gốc Covid-19 từ dữ liệu của Trung Quốc- Ảnh 2.

Lửng chó được cho là loài nhạy cảm với SARS-CoV-2 và đã mang SARS-CoV

Ảnh: Chụp màn hình The Guardian

"Nhiều trong số loài động vật này đã bị tiêu hủy trước khi nhóm CDC Trung Quốc đến, vì vậy chúng tôi không thể có bằng chứng trực tiếp cho thấy chúng đã bị nhiễm bệnh. Chúng tôi đang nghiên cứu dấu vết ADN và ARN của những con vật này trong các mẫu và tại một số quầy được tìm thấy có SARS-CoV-2", đồng tác giả Débarre cho hay.

"Đây chính là những loài động vật mà chúng ta biết đã tạo điều kiện cho virus Corona gây SARS ban đầu lây sang người vào năm 2002. Đây là điều nguy hiểm nhất mà loài người đã làm - bắt những động vật hoang dã chứa đầy virus và sau đó đùa với lửa bằng cách cho chúng tiếp xúc với con người sống ở trung tâm của các thành phố lớn, nơi mật độ dân số đông khiến những virus này dễ dàng bám trụ", ông Worobey nhấn mạnh.

Lý do phải tìm ra nguồn gốc Covid-19

Nhóm nghiên cứu quốc tế cũng thực hiện phân tích tiến hóa về bộ gien virus được báo cáo sớm nhất trong đại dịch Covid-19, và suy ra kiểu gien tổ tiên có khả năng nhất của virus đã lây nhiễm cho người và dẫn đến đại dịch Covid-19. Kết quả cho thấy rằng có rất ít người bị nhiễm bệnh trước khi bùng phát dịch bệnh ở chợ hải sản Hoa Nam. Kết quả này phù hợp với sự lây lan của Covid-19 từ động vật sang con người trong chợ đó, theo chuyên san Cell.

Nghiên cứu mới đưa ra một danh sách ngắn những loài động vật ở chợ hải sản Hoa Nam được phát hiện cùng xuất hiện hoặc gần gũi với các mẫu virus có thể đại diện cho vật chủ trung gian có khả năng mang SARS-CoV-2 nhiều nhất. Trong đó, lửng chó, một loài nhạy cảm với SARS-CoV-2 và mang SARS-CoV trước đó, được phát hiện là loài động vật có nhiều vật liệu di truyền nhất trong các mẫu được lấy từ các quầy bán động vật hoang dã ở chợ Hoa Nam. Vật liệu di truyền từ cầy hương, cũng có liên quan đến đợt bùng phát SARS-CoV vào năm 2003, cũng được tìm thấy trong một quầy có ARN SARS-CoV-2. Các loài khác như dúi mốc lớn và nhím Mã Lai cũng được phát hiện có mặt trong các mẫu dương tính với SARS-CoV-2.

Mặc dù dữ liệu không thể chứng minh liệu một hoặc nhiều loài động vật nói trên có thể đã bị nhiễm SARS-CoV-2 hay không, nhưng phân tích của nhóm nghiên cứu cung cấp một danh sách rõ ràng về các loài có khả năng mang SARS-CoV-2 và thông tin di truyền có thể được sử dụng để giúp truy tìm nguồn gốc của chúng.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ nguồn gốc của đại dịch Covid-19. "Đã có rất nhiều thông tin sai lệch về nguồn gốc của SARS-CoV-2. Lý do quan trọng phải tìm ra nguồn gốc SARS-CoV-2 là vì điều này ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và sức khỏe cộng đồng, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới. Và sự thật là dù đã có tăng cường tập trung vào an toàn trong phòng thí nghiệm kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây hơn 4 năm, nhưng vẫn chưa có nhiều hành động được thực hiện để giảm nguy cơ xảy ra tình trạng bệnh lây từ động vật sang người như thế lần nữa", ông Worobey cảnh báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.