Chiều 23.6, tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây nguyên (lần 3), đồng thời công bố quyết định 377 /QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng Tây nguyên giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050.
Cần nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng vùng
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông, quy hoạch vùng Tây nguyên vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4.5.2024, mục tiêu đưa Tây nguyên trở thành vùng phát triển nhanh bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến; trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Việc công bố quy hoạch vùng Tây nguyên không chỉ xác định địa giới, định hướng phát triển và tầm nhìn chiến lược để phát triển vùng mà còn đặt ra cho Hội đồng điều phối vùng Tây nguyên những nhiệm vụ cụ thể như: Triển khai quy hoạch công khai, minh bạch theo đúng các quy định của pháp luật; kết hợp với tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhằm tuyên truyền, quảng bá, thu hút rộng rãi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia thực hiện quy hoạch.
Hội đồng điều phối vùng Tây nguyên xác định cần tập trung nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ dự án quan trọng quốc gia tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và các dự án trọng điểm, liên kết vùng.
Đồng thời, hoàn thiện thủ tục đầu tư để đẩy nhanh việc triển khai các dự án tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư; tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch và phương án đầu tư mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không Liên Khương, Pleiku, Buôn Ma Thuột; khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.
Tại hội nghị, ông Lê Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nêu việc vướng Quyết định số 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ( viết tắt quy hoạch 866) với quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch đô thị, hạ tầng, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Chiến, tỉnh Đắk Nông đã báo cáo Chính phủ và các bộ, ban, ngành nhưng chưa được giải quyết. Việc này không những ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh như dự án điện gió, điện phân nhôm...mà còn ảnh hưởng đến các công trình, dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
"Tỉnh Đắk Nông kính đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét có giải pháp tháo gỡ tổng thể các khó khăn về chồng lấn các quy hoạch phát triển ngành quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng như các địa phương. Song song đó là sớm ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục, chi phí thực hiện việc thu hồi, bảo vệ khoáng sản để địa phương có căn cứ tổ chức triển khai thực hiện", ông Lê Văn Chiến nêu ý kiến.
Tương tự, ông Võ Ngọc Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, quy hoạch 866 bị trùng lắp quy hoạch, chưa thống nhất, cần điều chỉnh tháo gỡ chồng lấn. Hiện có 50% diện tích quy hoạch vướng vào các khu dân cư của H.Bảo Lâm, một phần TP.Bảo Lộc…. Đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng tháo gỡ khó khăn trên để thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế xã hội.
Đẩy mạnh liên kết vùng
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ cho rằng quy hoạch vùng Tây nguyên là để xác định khung pháp lý giúp các tỉnh Tây nguyên cùng phát triển, hợp tác để phát triển. Kinh tế các tỉnh Tây nguyên đã có sự chuyển biến tích cực. Các tỉnh đã cố gắng giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ "lá phổi xanh" cho khu vực và của cả nước. Tây nguyên đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ Trung ương, toàn hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội.
"Có 3 điều các tỉnh Tây nguyên có thể làm ngay đó là các tỉnh có thể trao đổi, làm việc với nhau để cùng làm hệ thống đường giao thông kết nối. Bên cạnh đó là phát triển du lịch theo chuỗi, theo tour nhưng không được 'đụng hàng'. Cuối cùng, các tỉnh có thể chia sẻ nhau trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước trên tinh thần phát triển toàn khu vực", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó thủ tướng, cái khó nhất hiện nay là việc vướng quy hoạch 866. Vì thế, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT cùng 5 tỉnh Tây nguyên chủ động rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20.7 để xử lý những vấn đề vướng mắc liên quan đến quy hoạch này.
Bình luận (0)