Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN, cho biết sau 3 năm triển khai thực hiện đề án thành lập Bảo tàng Báo chí VN, tới nay bảo tàng đã có nhiều hiện vật báo chí quý giá. Trong thời gian tới, Hội Nhà báo VN sẽ thúc đẩy việc hoàn thiện cơ cấu nhân sự, để những nhân sự làm việc tại bảo tàng có cả chuyên môn về bảo tàng lẫn hiểu biết về lịch sử và nghiệp vụ báo chí.
Dịp này, bảo tàng đã trưng bày giới thiệu 152 tập lưu báo, tượng trưng cho 152 năm phát triển báo chí quốc ngữ (1865 - 2017). Trong số tập báo ra mắt ngày 16.8, có các tập lưu báo và tạp chí bản gốc, 2 tập lưu báo cắt dán (photo) Gia Định báo (gồm 4 quyển) và Hoàng Sa - Trường Sa (gồm 1.200 bài báo cắt dán) do nhà báo, nhà sưu tập Trần Thanh Phương (ngụ TP.HCM) hiến tặng. Có nhiều tập lưu báo gốc quý, xuất bản từ năm 1945 đến trước 1975 như hàng chục tờ báo Trường Sơn của cố nhà báo công tác tại Báo Quân đội Nhân dân, ông Lục Văn Thao để lại; các tập lưu báo xuất bản trước và sau thời kỳ đổi mới…
Bà Lục Thanh Hải (ngụ tại 158 phố Bà Triệu, Hà Nội), một người đã hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí VN, cho biết bà rất băn khoăn trước khi quyết định hiến tặng bộ sưu tập báo ở Trường Sơn của bố mình cho bảo tàng. Đó là bộ sưu tập báo Trường Sơn gồm 88 số, được nhà báo Lục Văn Thao lưu giữ từ khi làm phóng viên chiến trường ở Trường Sơn cho tới cuối đời, năm 2017. “Cụ giữ hàng chục năm như thế. Gia đình cũng rất muốn giữ kỷ vật của bố mình. Nhưng cuối cùng, tôi nghĩ cái lớn hơn là thế hệ trẻ, trao tặng bảo tàng để lớp trẻ hiểu được câu chuyện người lính năm xưa”, bà Hải nói.
PGS-TS Phạm Mai Hùng, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho biết ông đánh giá cao các hiện vật được trưng bày và mong muốn có một triển lãm, trong đó các tờ báo đã in và cả bản thảo các bài báo đó cũng được trưng bày. Như thế, người xem sẽ dễ hình dung hơn về lao động báo chí.
Bình luận (0)