Chia sẻ băn khoăn về chính sách cải cách tiền lương tại hội trường Quốc hội chiều 31.5, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cho biết tháng 10 tới đây, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị.
Tính tới nay đã có 4 lần cải cách tiền lương, nhưng hiện nay có thực tế lương cán bộ công chức khá thấp. Đặt câu hỏi “Việt Nam đang ở đâu trong bản đồ thu nhập thế giới?”, theo đại biểu Mai, sẽ là khập khiễng nếu so sánh với các nước phát triển, nhưng ngay cả so với các nước trong khu vực thì cũng có khoảng cách không nhỏ.
Một sinh viên mới ra trường có mức lương khoảng hơn 3,4 triệu đồng/tháng. Mức lương trung bình công chức trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Trong khi quy đổi thì mức lương công chức ở Thái Lan là 56,7 triệu đồng/tháng, Malaysia là 29 triệu đồng/tháng và Campuchia là 17 triệu đồng/tháng.
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai: “Công chức Việt Nam lương 10 triệu đồng/tháng, Thái Lan hơn 56 triệu, Campuchia 17 triệu”
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng cho rằng, Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị đã đề ra lộ trình cải cách cụ thể, nhưng tới nay đã "lỡ hẹn" 3 năm do Chính phủ đề nghị lùi thời điểm cải cách tiền lương, để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, phục hồi kinh tế.
“Đó là chủ trương đúng đắn, nhưng sau gần 2 năm thực hiện vẫn còn hơn 14.000 tỉ đồng vốn chương trình phục hồi kinh tế chưa thể phân bổ, hơn 429.000 tỉ đồng vốn đầu tư công trung hạn chưa được giao. Tức là khi "thắt lưng buộc bụng" cho đầu tư phát triển thì một phần nguồn lực chưa phát huy hiệu quả, là điều đáng tiếc”, bà Mai nêu.
Đại biểu này cũng đặt vấn đề: tới đây nếu cải cách tiền lương thì mức tăng là bao nhiêu? Dù tới nay vẫn chưa có thông tin cụ thể do Chính phủ còn trình Quốc hội, nhưng rất cần thay đổi căn bản, thực chất chứ không chỉ hình thức. Nhiều diễn đàn đề xuất tăng 21 - 22%, tức người lương 10 triệu đồng thì chỉ tăng thêm khoảng 2,1 triệu đồng.
Trong khi đó, Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị đã nêu tiền lương là nguồn thu nhập chủ yếu, chính sách tiền lương phải đảm bảo hội nhập. Nhấn mạnh nguy cơ nếu không có chính sách tiền lương hợp lý thì chúng ta sẽ thua ngay trên "sân nhà" khi không thu hút được nhân lực chất lượng cao, bà Mai kiến nghị cần thực hiện nghiêm Nghị quyết 27.
Theo đó, hàng năm dành 50% tăng thu dự toán, 70% tăng thu ngân sách thực hiện ngân sách địa phương và 40% tăng thu ngân sách T.Ư để tăng lương.
Xem nhanh 20h ngày 31.5: Quốc hội ‘nóng’ chuyện cán bộ sợ trách nhiệm
“Cần ưu tiên cho chính sách tiền lương trước khi xem xét các dự án đầu tư; cần coi trả lương là hình thức đầu tư, đầu tư cho con người, tương lai. Chỉ khi đầu tư tương xứng mới mang lại hiệu quả thiết thực. Đất nước không thiếu người tài, không thiếu người tâm huyết muốn cống hiến nhưng cần chính sách đủ mạnh, tạo niềm tin cho người lao động”, bà Mai nêu.
Bình luận (0)