Ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ
Thời điểm này, nước lũ ở Quảng Nam đã rút nhưng trời vẫn không ngừng mưa, khiến con đường vào nhà anh dân quân tự vệ Trương Văn Được (30 tuổi, ở thôn Mỹ Cang, Xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) càng trở nên vắng vẻ.
Bùn đỏ vẫn còn in hằn trên những ngôi nhà của người dân sau khi nước lũ rút. Tại ngôi nhà cấp 4 của anh Được, người thân hàng xóm vẫn đang tất bật lo hậu sự cho anh.
Trong những ngày mưa lũ kéo dài, anh Được cùng với các thành viên trong đội cứu hộ xã Tam Thăng đã tìm về các điểm trũng thấp, liên tục ra vào các vùng rốn lũ với mực nước từ 1 – 1,5 mét, để di dời, sơ tán người dân bị cô lập đến nơi an toàn. Thức ăn cũng chỉ là miếng mì tôm sống. Và sau đó, hung tin ập đến. Anh Được mất vì kiệt sức sau một ngày dầm mình dưới nước lũ.
|
Những người có mặt tại nhà anh Được đều không cầm được nước mắt khi nhìn bức di ảnh chàng trai trẻ có gương mặt hiền hậu với bộ đồng phục quân dân.
Theo một cán bộ xã Tam Thăng, rạng sáng 11.12, bà Trần Thị Lê (54 tuổi, mẹ anh Được) thức dậy đi ra vườn thì phát hiện con trai còn mặc nguyên áo mưa, nằm ngục ngay vùng nước sau bên cạnh cửa sổ hiên nhà với cơ thể tím tái và đã ngừng thở. “Sau một ngày dầm mình dưới dòng nước lũ cứu người, khi trở về nhà thì anh Được đã qua đời vì kiệt sức”, cán bộ này nói.
Nơi anh Được bị kiệt sức, tử vong
|
Đến lo hậu sự cho cháu, ông trần Phú Bình (63 tuổi, ở thôn Mỹ Cang), buồn bã cho biết: "Thằng Được lớn lên thiếu đi tình yêu thương của ba, gia đình lại thuộc hộ nghèo. Suốt 30 năm qua, mẹ nó ở vậy nuôi nó lớn lên trong khó khăn. Lớn lên, nó chăm chỉ làm ăn để lo cho mẹ và ông bà ngoại năm nay đã 80 tuổi, vì vậy dù đã 30 tuổi nhưng nó vẫn chưa dám lấy vợ".
“Hàng ngày nó theo người ta đi phụ hồ, làm được đồng nào đều về đưa cho mẹ để lo cho ông bà ngoại. Cái xóm nghèo này ai cũng yêu thương nó vì hiền lành lại chịu khó. Nào ngờ cháu tôi lại ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ như vậy”, ông Bình nghẹn lại.
|
Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh
Bà Nguyễn Thị Lan (50 tuổi, ở thôn Mỹ Cang), cho biết: "Khi nghe tin thằng Được mất, thật sự người dân chúng tôi rất sốc và không tin vào tai mình. Mới hôm kia nó còn ngụp lặn giữa dòng nước xiết, cõng người già, trẻ em đưa lên ghe đi sơ tán rồi hì hục bơi vào từng nhà dân khiêng từng bao lúa, bao đậu cùng đàn heo, con gà lên cao tránh lũ. Thế mà bây giờ nó lại ra đi...."
Lặng nhìn linh cữu đứa cháu trai xấu số, đặt ngay giữa gian nhà cấp 4 xập xệ. Cụ bà Huỳnh Thị Mai (80 tuổi), thỉnh thoảng lại gọi tên anh Được nhưng không thành tiếng. “Cháu tôi nó có tội gì đâu mà ông bắt nó đi sớm như vậy. Ông trời ơi…! Sao ông không bắt thân già này đi. Cháu tôi mới có 30 tuổi thôi. Nó còn trẻ lắm, hiền lành lắm ông ơi…!”, cụ Mai khóc nghẹn rồi lại thốt lên: “Nỡ lòng nào để người đầu bạc tiễn người đầu xanh vậy hả trời!”.
Ngồi thẫn thờ nép mình một góc, bà Trần Thị Lê chỉ biết lặng nhìn linh cữu của con trai mà không nói không rằng. Từ khi anh Được mất, bà không ăn không ngủ, thức trắng đêm túc trực bên con.
Gia cảnh bà Lê thuộc diện hộ nghèo. Anh Được là con trai duy nhất, cũng là lao động chính trong nhà nên khi anh không may tử vong đã khiến người mẹ nghèo cùng ông bà ngoại mất đi điểm tựa. Không biết, rồi cuộc sống của ba con người này sẽ đi về đâu khi trước mắt mình là một bóng tối thinh lặng.
Bình luận (0)