Công dân toàn cầu không chỉ trong ý nghĩ

11/09/2023 04:12 GMT+7

Thế hệ Z (gen Z) hay thế hệ Alpha (gen Alpha, chỉ thế hệ tiếp sau gen Z) của Việt Nam hiện nay có rất nhiều cơ hội để trở thành công dân toàn cầu khi họ có thể "thở chung bầu không khí" của bạn đồng trang lứa khắp mọi nơi trên thế giới trong hầu hết các lĩnh vực.

Trước gen Z, toàn cầu là một khái niệm khá xa lạ. Cánh cổng để thế hệ ngày ấy bước ra ngoài thế giới có chăng chỉ là qua công cụ hỗ trợ của ngoại ngữ để tiếp xúc với những cuốn phim, bài báo, băng đĩa… nhưng luôn có độ trễ khá xa so với bước đi của thời đại. Ngày nay, ngồi ở VN nhưng bạn trẻ có thể xem chính thức những bộ phim phát hành cùng thời điểm hoặc chỉ sau một thời gian ngắn so với các nước để có thể cùng bình luận, trao đổi với bạn bè năm châu những chi tiết hay trong bộ phim ấy hoặc có thể tiếp cận với Idol (thần tượng) qua các chuyến lưu diễn đến VN hoặc các nước lân cận.

Ngày xưa, không dễ dàng để người trẻ làm bạn với bạn bè quốc tế. Nay, qua các ứng dụng công nghệ, các diễn đàn…, một học sinh THCS đã có thể kết bạn với những người bạn quốc tế để cùng trao đổi, chia sẻ những vấn đề mình quan tâm…

Từ đây, thế hệ trẻ VN đã có cùng suy nghĩ, mối quan tâm, hành động với người trẻ năm châu.

Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy những tiếng nói, hành động để bảo vệ môi trường, các vấn đề về biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, bảo vệ động vật hoang dã, sống xanh, phân loại rác thải… đều do những người trẻ đi tiên phong, từ đó "dẫn dắt" người lớn dần thay đổi hành vi, cách ứng xử với môi trường sống xung quanh.

Nếu ai đó vẫn còn những thành kiến, quan điểm hạn hẹp về vấn đề giới và bình đẳng giới… thì thế hệ trẻ hôm nay sẵn sàng đứng lên phản biện, tranh luận để đưa ra cách nhìn theo xu hướng phù hợp với thế giới hiện đại.

Trong khi người lớn còn dò dẫm, ngại ngùng với trí tuệ nhân tạo, mà điển hình là công cụ ChatGPT, thì rất nhiều học sinh ngày nay đã sử dụng ChatGPT như các bạn đồng trang lứa trên toàn cầu để hỗ trợ cho việc học tập, nghiên cứu.

Một thời gian dài chúng ta cảm thấy xấu hổ vì hành động "đạo văn" thường xuyên xảy ra trong môi trường học thuật vì đơn giản nhiều thế hệ học sinh không được giáo dục rằng trích dẫn hoặc lấy tài liệu của người khác thì phải ghi nguồn. Nhưng với câu chuyện sau đây giúp chúng ta có một cách nhìn tích cực về học sinh hiện nay.

Báo Thanh Niên vừa nhận email với lời lẽ khiêm cung từ một học sinh trường chuyên ở Long An xin phép được dùng nội dung bài viết đăng trên báo để làm tài liệu dẫn chứng tham gia một cuộc thi. Học sinh này viết: "Em muốn được dùng câu chuyện để làm tài liệu dẫn chứng cho tác phẩm dự thi của em. Nhưng trước hết, em muốn được xin bản quyền tác giả về bài viết trên để tránh vi phạm điều lệ cuộc thi về bản quyền, sao chép mà chưa được đồng ý".

Khi có môi trường phù hợp và quan điểm giáo dục thay đổi theo hướng hiện đại, tiếp cận với xu thế của thế giới, học sinh, sinh viên đã có cơ hội chạm đến những suy nghĩ, hành động, mối quan tâm tiệm cận với những vấn đề mang tính toàn cầu của giới trẻ ngày nay.

Có thể nói, đây là thời kỳ người trẻ có đầy đủ cơ hội để bước ra thế giới bên ngoài ngang bằng với bạn bè quốc tế. Vấn đề còn lại là cách bạn lựa chọn để hành động. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.