Chính sách cộng điểm ưu tiên đã thực hiện nhiều năm nhưng bước vào kỳ tuyển sinh đại học năm nay lại được dấy lên với nhiều ý kiến trái chiều. Quan điểm nên bỏ cộng điểm ưu tiên đang được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, theo tôi, chưa thể bỏ hoàn toàn.
Để duy trì việc học tập trong hoàn cảnh sống xa nhà trong những lán tranh tre, không điện nước, phải tự nấu ăn khi mới chỉ 7-8 tuổi là nỗ lực rất lớn của các em nhỏ vùng cao
- Ảnh (chụp tại trường tiểu học Trà Nam, Nam Trà My, Quảng Nam): Diệu Hiền |
Đối tượng được xét cộng điểm ưu tiên có thể chia thành hai nhóm chính: thí sinh thuộc gia đình có công và thí sinh ở vùng sâu vùng xa.
Với nhóm đối tượng thứ nhất, tôi đồng ý với quan điểm rằng Nhà nước có thể tri ân các gia đình có công như tặng huân, huy chương, cùng nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt ở địa phương. Riêng việc cộng điểm cho con em gia đình thuộc diện này có phần không phù hợp, vì đất nước hòa bình đã 40 năm, việc cộng điểm phải chăng đã quá lỗi thời.
Với nhóm đối tượng thứ hai, phải nhìn nhận rằng, trình độ phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương còn khác nhau. Vùng sâu, vùng cao còn rất khó khăn nên học sinh những nơi này phải chịu nhiều thiệt thòi. Chỉ riêng việc các em đến trường đều đặn đã là một nỗ lực rất lớn. Hơn nữa, số lượng thầy cô giáo còn ít, trường lớp, cơ sở vật chất còn sơ sài. Nhiều em còn phải bươn chải kiếm tiền phụ giúp gia đình. Ngay ở quê tôi, một tỉnh miền Tây với điều kiện sống khá thuận lợi, vẫn có nhiều em sáng đi học, chiều đi bán vé số hoặc ra ruộng hái cà, hái bắp. Không cần phải đến mức trèo đèo lội suối đến trường nhưng rõ ràng điều kiện học tập của các em quê tôi vẫn khó khăn hơn các em ở thành phố.
Bản thân đã qua 9 năm học ở quê và 3 năm THPT ở TP.HCM (không được cộng điểm ở kỳ thi đại học), tôi có thể khẳng định rằng, các em ở thành phố đã quá sung sướng, đa số chỉ dành toàn bộ thời gian của mình cho việc học và giải trí. Hơn thế, các em còn có sẵn những “lò luyện” để chuẩn bị cho kỳ thi lớn này. Vậy thì việc các bạn khó khăn hơn được ưu tiên cộng điểm không có gì vô lí. Có chăng là chính sách cộng điểm này cần được thắt chặt hơn, mức điểm cộng phù hợp hơn.
Nếu có bạn trẻ hay phụ huynh ở thành phố nào còn “lăn tăn” về chuyện này, hãy thử hỏi bản thân (hoặc con em mình) là nếu được chọn, các em có đổi về nông thôn sinh sống và học tập, rời xa các trung tâm học thêm, lò luyện thi của mình để đổi lấy điểm cộng của các bạn nông thôn?
Tất nhiên, cộng điểm chỉ là biện pháp nhất thời, giải pháp lâu dài là cần có những chính sách thực sự nâng cao mức sống của người dân khu vực nông thôn. Để mỗi học sinh đều có thể chuyên tâm học hành và ngẩng cao đầu đỗ bất kì kỳ thi nào bằng chính thực lực của mình mà không cần tới điểm cộng thêm.
Bình luận (0)