Lẽ ra, chúng ta phải tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con em gia đình có công với cách mạng, học sinh là người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Còn trong hoàn cảnh để đi tìm con chữ mà phải đánh cược với mạng sống như các em xã Nà Hỳ, Điện Biên phải chui vào bọc ni lông qua suối hay nhiều nơi học sinh vẫn hàng ngày đu dây băng qua dòng thác dữ thì điểm ưu tiên dành cho các em là hoàn toàn xứng đáng
.
Các em bé ở vùng cao Trọng Hóa (H.Minh Hóa, Quảng Bình) phải bơi qua suối Rào để đến trường mỗi ngày. Việc cộng điểm cho các em là sự công bằng - Ảnh: Trương Quang Nam
|
Bao năm qua, chính sách phát triển cho khu vực miền núi, hải đảo luôn được nhà nước quan tâm. Bên cạnh các bộ, ban ngành hành động, đồng bào ta cũng rất hăng hái trong công tác trợ giúp những vùng này. Có cụ già miền xuôi chắt chiu từng đồng quà cho đến khi được khoản kha khá lại tới tòa soạn báo quyên góp. Nhiều học sinh thành phố đập heo đất lấy tiền ủng hộ các bạn ở Hoàng Sa, Trường Sa. Rất nhiều chuyến xe chở lương thực, quần áo, sách vở do hội các ông bố, bà mẹ quyên góp cho đồng bào miền núi mỗi mùa đông giá rét.
Nhưng một sự thật là: quyên góp, ủng hộ thì sẵn sàng, chứ bỏ thành phố để lên núi, ra đảo sống thì ít người tình nguyện.
Tôi đề cập tới điều đó chỉ nhằm mục đích nhắc nhớ rằng miền núi, hải đảo thực sự là những nơi còn nhiều khó khăn (mà không hẳn là do người dân nơi đó không giỏi để thoát ra khỏi khó khăn ấy).
Để đất nước ngày càng đi lên, nâng cao dân trí luôn phải là một trong những mặt trận tiên phong, hơn nữa cần thực hiện trên phạm vi toàn lãnh thổ chứ không thể “bỏ phế” bất kì một vùng miền nào. Như vậy, điểm ưu tiên là một chính sách hợp lý nhằm tạo điều kiện cho những học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa... có thể tiếp tục lĩnh hội tri thức như mọi công dân khác.
Nói là tạo điều kiện bởi chỉ với tối đa 3,5 điểm ưu tiên mà không có một điểm thi nhất định, các em học sinh ở những vùng đó đâu thể nào đậu đại học, cao đẳng.
Chỉ là tạo điều kiện vì đó mới là “đầu vào”, còn sau 3 - 4 năm học tập rèn luyện, nếu kết quả không đạt thì “đầu ra” đâu có ai đảm bảo cho. Chuyện thất nghiệp sau khi ra trường, bằng giả, thiếu kỹ năng mềm, hay thiếu đạo đức, năng lực khi làm việc... là câu chuyện chung, chứ không phải do điểm ưu tiên như một số người đang lo lắng.
|
Thế mới thấy rằng, điều kiện, môi trường giáo dục, không khí lớp học... ảnh hưởng đến kết quả học tập như thế nào. Năng lực nếu không có điều kiện thích hợp thì khó mà phát huy được.
Quen biết người em gái Lạng Sơn đậu một trường đại học ở Hà Nội, tôi khâm phục ý chí vươn lên của em cũng như của nhiều học sinh miền núi. Em kể: “Nhà em ở một vùng hẻo lánh của tỉnh, xa đến nỗi lâu lắm mới có người đi ngang qua. Đến năm lên lớp 6, em phải dậy từ 4 giờ sáng để kịp vào học lúc 7 giờ vì cả huyện mới có một điểm trường cấp 2 lại rất xa nhà. Mà cả huyện cũng chỉ có hơn chục đứa học cùng lớp 6. Có hôm đến trường thì được tin cô giáo nghỉ ốm, chúng em lại quay về”.
Nghe chuyện của em, tôi thấy mình thật nhỏ bé, kết quả học tập của mình ngày trước cũng không còn đáng để bản thân tự hào. Tôi tự hỏi, nếu mỗi ngày phải mất 3 tiếng lủi thủi đi bộ tới trường (chưa kể đường sá nguy hiểm, khó đi), đến lớp thì lèo tèo có hơn chục bạn (tập hợp số học sinh của cả huyện, chứ những đứa gần nhà hay học cùng tiểu học thì nghỉ hết rồi), liệu tôi còn ý chí, hứng khởi, động lực để đi tìm con chữ nữa không?
Nhiều người tỏ ra bức xúc nói rằng được cộng điểm ưu tiên trong kì tuyển sinh đại học, cao đẳng nhưng ra trường có được mấy người về quê sinh sống làm việc. Trước hết, chính sách điểm ưu tiên không quy định hay bắt buộc người được áp dụng phải về quê sau khi tốt nghiệp. Thứ hai, ở lại thành phố hay về quê cũng giống như chuyện tiếp tục ở nước ngoài hay về Việt Nam của du học sinh hiện nay. Bài toán chảy máu chất xám trong phạm vi vùng miền hay quốc gia không phải “lỗi” của điểm ưu tiên, mà phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó là địa phương có tạo điều kiện để họ trở về cống hiến hay không. Thứ ba, để đóng góp cho quê hương có rất nhiều cách, không phải chỉ về quê mới có ý nghĩa.
Cô em Lạng Sơn ấy, dù có trở về hay trụ lại thành phố, em cũng đã “mở hàng” cho truyền thống hiếu học của gia đình mình. Trước cô ấy, người chị nghỉ học sớm rồi lấy chồng, còn sau cô ấy, hai đứa em lần lượt vào đại học. Tôi tin không chỉ dừng lại ở đó, trong những lần gặp mặt của dòng họ, hay trong những tiết dạy ở ngôi trường cấp 2, người ta sẽ nhắc đến cô ấy một cách đầy tự hào. Cô ấy là tấm gương cho đàn em thấy rằng, chúng hoàn toàn có thể học cao hơn trình độ cấp 1, cấp 2.
Cho nên, điểm ưu tiên không phải là sự ban phát tri thức, càng không phải là chính sách từ thiện. Xét ở quyền lợi của người học, đó là sự công bằng. Còn xét ở lợi ích chung của quốc gia, đó là chính sách góp phần nâng cao dân trí, rút ngắn khoảng cách trình độ giữa các vùng.
Cuối cùng, xin nhắn nhủ với ai đó còn đắn đo “điểm ưu tiên có công bằng không” rằng: hãy nghĩ đến những học sinh ấy, những gia đình ấy đã chịu thiệt thòi thay chúng ta bám trụ những vùng đất mà điện, đường, trường, trạm đều thiếu thốn để non sông Việt Nam nơi đâu cũng có bóng người.
Nếu còn so bì trong trường hợp này, chẳng phải là ích kỷ lắm sao!
Bình luận (0)