'Công đoàn cơ sở như cậu bé tí hon khoác chiếc áo quá lớn'

18/06/2024 13:21 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) ví von công đoàn cơ sở như một cậu bé tí hon đang phải khoác trên chiếc áo quá lớn. Cán bộ công đoàn nhận lương của chủ doanh nghiệp nên rất khó tạo ra sự bình đẳng.

Thảo luận tại hội trường về luật Công đoàn sửa đổi sáng 18.6, đại biểu Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho rằng dự thảo luật quy định tương đối đầy đủ về quyền, trách nhiệm của công đoàn. 
'Công đoàn cơ sở như cậu bé tí hon khoác chiếc áo quá lớn'- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội)

GIA HÂN

"Thực tế công đoàn cơ sở được ví như một cậu bé tí hon nhưng đang phải khoác trên mình một cái áo quá lớn, lúng túng và bất lực. Cán bộ công đoàn cơ sở đều hưởng lương từ doanh nghiệp, luôn chịu sức ép của người sử dụng lao động, điều này rất khó tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động", ông Thường nêu.

Do đó, đại biểu đề nghị phải cụ thể hóa cơ chế này bằng pháp luật, để công đoàn độc lập hơn với người sử dụng lao động. Trước hết là độc lập về tổ chức, chủ động về tài chính và có một chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn hữu hiệu.

Về cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn, ông Thường đề nghị cụ thể hóa mức hỗ trợ hàng tháng trong thời gian gián đoạn việc làm, đối với cán bộ công đoàn bị người sử dụng lao động sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng. 

Đặc biệt, khi sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải có ý kiến bằng văn bản của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, thay vì của cả công đoàn cơ sở. Lý do, nếu chỉ quy định ý kiến bằng văn bản của công đoàn cơ sở thì rất dễ bị thao túng, gây sức ép để hợp lý hóa việc chấm dứt hợp đồng lao động với cán bộ công đoàn cơ sở của người sử dụng lao động. 

Nên cho phép người nước ngoài tham gia công đoàn

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), nên cho phép quyền gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam của người lao động nước ngoài làm việc trên lãnh thổ Việt Nam. Điều này rất cần thiết để quản lý, thay vì những người này sẽ tổ chức thành lập tổ chức công đoàn ngoài nhà nước. Đi kèm đó là quyền hạn, nghĩa vụ nhất định theo điều lệ của công đoàn. 

Cạnh đó, về quản lý sử dụng tài chính, ông Hòa ủng hộ tiếp tục duy trì 2% phí công đoàn như luật hiện hành. "Tuy nhiên, cần có báo cáo việc sử dung phí này trong thời gian qua và nghiên cứu theo hướng điều chỉnh mức giảm thu kinh phí công đoàn một cách phù hợp để không phát sinh gánh nặng cho người sử dụng lao động nhất là doanh nghiệp", đại biểu Hòa nói.

'Công đoàn cơ sở như cậu bé tí hon khoác chiếc áo quá lớn'- Ảnh 2.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông)

GIA HÂN

Theo ông, điều này sẽ thu hút người lao động tham gia tổ chức công đoàn nhiều hơn, đồng thời có quy định chủ thể giám sát nguồn kinh phí này để bảo đảm công khai minh bạch theo định kỳ.

Về phân định kinh phí công đoàn, đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị xác định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25% công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại các doanh nghiệp là 75%. Tuy nhiên, việc công đoàn cấp trên cơ sở gồm Tổng Liên đoàn lao động và Liên đoàn cấp tỉnh, huyện phân chia 25% ra sao cũng cần phân định rõ.

Góp ý về phương án quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng tán thành phương án 1, cho phép lao động nước ngoài tham gia. Theo ông, cơ sở chính trị, pháp lý cho việc này rất rõ ràng, gồm Nghị quyết 06 năm 2016 của T.Ư Đảng và các hiệp định thương mại, nhất là CPTPP. 

"Với 95 năm ra đời và phát triển, công đoàn Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện để đón nhận người lao động nước ngoài, giúp tổ chức công đoàn Việt Nam lớn mạnh, ngang tầm quốc tế", đại biểu Mai chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.