Sáng 18.6, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc. Các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án luật Công đoàn sửa đổi.
"Có thực sự dám lên tiếng bảo vệ người lao động?"
Cho ý kiến về dự thảo, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) "hết sức quan tâm" tới tổ chức công đoàn tại các công ty, doanh nghiệp. Ở những nơi này, tổ chức công đoàn chính là tiếng nói để bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Tuy nhiên, theo ông Thông, tiền lương và các chi phí trả cho cán bộ công đoàn ở các công ty, doanh nghiệp lại do chính chủ công ty, doanh nghiệp (người sử dụng lao động) đó chi trả.
"Cán bộ công đoàn ở trong công ty, doanh nghiệp đó có thực sự dám lên tiếng bảo vệ người lao động khi quyền lợi của người lao động bị xâm phạm hay không?", ông Thông đặt câu hỏi.
Vị đại biểu tỉnh Bình Thuận cũng đặt vấn đề thời gian qua, đã có bao nhiêu vụ việc khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại các công ty, doanh nghiệp mà tổ chức công đoàn tại đó đã đứng ra đại diện bảo vệ được cho người lao động hay chưa? Hiệu quả như thế nào?
Ông Thông cho rằng cần phải xem lại yếu tố bảo vệ cho người lao động, để tổ chức công đoàn cơ sở tại các công ty, doanh nghiệp ngoài nhà nước thực sự phát huy được vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Đại biểu tỉnh Bình Thuận đề nghị tiền lương, tiền thưởng và các khoản phụ cấp khác đối với cán bộ công đoàn chuyên trách ở các công ty, doanh nghiệp nên lấy từ kinh phí từ của công đoàn cấp trên để chi trả.
Việc này sẽ giúp cán bộ công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại công ty, doanh nghiệp đó.
Kinh phí công đoàn chi cấp trên 75%, cơ sở 25%?
Liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, dự thảo hiện đang đề xuất 2 phương án.
Phương án 1: "Tại những nơi đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 điều 29 được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định của Chính phủ".
Phương án 2: "Kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều 29 do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; 75% còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp"…
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông ủng hộ phương án 2. Ông Thông nhận định, việc phân bổ sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là vấn đề quan trọng, thể hiện sự công khai, minh bạch của việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Quy định như phương án 2 là phù hợp.
Tuy nhiên, ông Thông cho rằng việc đề xuất tỷ lệ cần bám sát thực tế hoạt động của công đoàn các cấp và dự liệu các vấn đề phát sinh trong thời gian tới.
Vì thế, không nên quy định cứng "công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được phân phối 75%" hay "công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%" mà nên quy định theo hướng "tối thiểu 75%" và "tối đa 25%". Việc này sẽ bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của cả hệ thống, tùy theo quy mô của tổ chức công đoàn hoặc theo địa bàn.
Dù ủng hộ phương án 2, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng cho rằng không nên quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% như dự thảo, mà chỉ nên quy định đó là tỷ lệ "tối thiểu" và tỷ lệ "tối đa".
Bà Nga nhận định, quy định theo hướng tối thiểu và tối đa sẽ tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở - là nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của người lao động.
Vẫn theo nữ đại biểu, dự thảo quy định "ở doanh nghiệp chỉ có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì tổ chức này được phân phối theo số thành viên trên số lao động thu được kinh phí công đoàn".
Bà Nga cho rằng quy định như trên chưa rõ, số tiền còn lại sau khi phân phối cho tổ chức của người lao động thì sẽ được tiếp tục phân phối, sử dụng như thế nào? Bà đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ và bổ sung thêm.
Bình luận (0)