Quốc hội thảo luận về dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

17/06/2024 07:40 GMT+7

Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành phân kỳ 4 làn xe hoàn chỉnh ngay từ đầu, sau khi các tuyến cao tốc phân kỳ 2 làn xe hoặc 4 làn xe hạn chế trước đó đã bộc lộ một số hạn chế.

Tiếp tục kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và ý kiến các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ về dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Quốc hội thảo luận về dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành- Ảnh 1.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng thay mặt Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình về dự án cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành

GIA HÂN

Trước đó, tại thảo luận tổ, đại biểu đề nghị đánh giá cụ thể hơn những vướng mắc, bất cập trong việc đầu tư các tuyến đường cao tốc thời gian qua, như xây dựng làn dừng khẩn cấp, trạm dừng nghỉ, cây xăng, trạm sạc điện...

Báo cáo giải trình của Chính phủ nêu rõ, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), rút kinh nghiệm về một số bất cập về khai thác cao tốc phân kỳ, chưa đầu tư kịp thời trạm dừng nghỉ trong thời gian qua, tờ trình dự án xác định quy mô phân kỳ 4 làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn (bao gồm bố trí đầy đủ làn dừng khẩn cấp, hệ thống ITS...); xây dựng đồng bộ các trạm dừng nghỉ.

Về ý kiến đầu tư quy mô hoàn chỉnh 6 làn xe theo quy hoạch, Chính phủ cho biết, theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 34.000 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia khoảng trên 21.000 tỉ đồng. 

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, căn cứ nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn vốn, UBND tỉnh Bình Phước đã trình phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương án phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về khả năng thu hút nhà đầu tư tham gia dự án PPP, do các vấn đề như chậm ban hành văn bản hướng dẫn, thiếu biện pháp chia sẻ rủi ro, khó khăn tiếp cận tín dụng và bất cập trong giải quyết tranh chấp pháp lý. 

Báo cáo giải trình của Chính phủ nêu rõ, với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 12.770 tỉ đồng (chiếm 50% tổng mức đầu tư dự án) thì dự án đảm bảo khả năng thu hồi vốn và lợi nhuận cho nhà đầu tư. 

Sơ bộ thời gian thu phí hoàn vốn của dự án không quá dài, cơ bản tương đồng với thời gian thu phí hoàn vốn của 3 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 đã đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thành công và bắt đầu đưa vào khai thác sử dụng.

Không chọn được nhà đầu tư sẽ chuyển sang đầu tư công

Lý giải vì sao không đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công, Chính phủ cho biết, trong điều kiện nguồn lực nhà nước khó khăn, chủ trương của Đảng, chính sách của Quốc hội là huy động tối đa nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông theo phương thức PPP. 

Do đó, trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư công. Sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền kinh doanh - khai thác để thu hồi vốn như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu.

Về phương thức thu phí, Chính phủ cho biết, hiện 3 dự án PPP trên cao tốc Bắc - Nam phía đông đang áp dụng theo hình thức đầu vào đa làn tự do, đầu ra đơn làn có barie. 

Bộ GTVT cũng đang tham mưu Chính phủ hoàn chỉnh pháp luật về thu phí tự động không dừng để tiến tới áp dụng thu phí theo hình thức đa làn tự do nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng và nâng cao năng lực thông hành trên đường cao tốc.

Có ý kiến đề nghị kéo dài thời gian hoàn thành dự án đến 2028 để tăng tính khả thi. Tuy nhiên, theo Chính phủ, dự án sẽ khởi công từ đầu năm 2025, triển khai thi công đến cuối năm 2026 sẽ cơ bản hoàn thành. 

Công tác giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành toàn bộ trong năm 2025. Kế hoạch giải ngân năm 2024 khoảng 14%, năm 2025 khoảng 38% và năm 2026 khoảng 48% tổng số vốn được cân đối.

Đáng chú ý, liên danh Vingroup và Techcombank quan tâm đến dự án. Theo báo cáo giải trình của Chính phủ, liên danh Vingroup và Techcombank là nhà đầu tư đề xuất dự án và được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận. Qua đánh giá sơ bộ, liên danh này có tiềm lực về tài chính.

Trường hợp được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án sẽ có nhiều lợi thế trong việc thu xếp vốn. Theo quy định của luật PPP, nhà đầu tư đề xuất lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phải chịu mọi chi phí, rủi ro trong trường hợp hồ sơ đề xuất dự án không được chấp thuận.

Bên cạnh đó, luật PPP quy định dự án do cơ quan có thẩm quyền hoặc do nhà đầu tư đề xuất lập đều phải thực hiện đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư. Do vậy, mặc dù liên danh Vingroup và Techcombank là nhà đầu tư đề xuất dự án nhưng chưa thể khẳng định là nhà đầu tư sẽ trúng thầu thực hiện.

Theo tờ trình của Chính phủ, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) dài 128,8 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 25.540 tỉ đồng. Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành 6 làn xe, giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn, giải phóng mặt bằng thực hiện một lần với 6 làn xe. Tốc độ thiết kế 100 - 120 km/giờ.

Sơ bộ tổng mức đầu tư 25.540 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia 12.770 tỉ đồng, gồm ngân sách T.Ư 10.536,5 tỉ đồng, ngân sách địa phương 2.233,5 tỉ đồng. Vốn nhà đầu tư tham gia 12.770 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.