Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung:

'Kinh phí công đoàn 2% không phải ào ào, muốn ai quản lý thì được đâu'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
08/06/2024 17:19 GMT+7

Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho rằng việc sử dụng kinh phí công đoàn cần được báo cáo rõ ràng, định kỳ phải kiểm toán, thanh tra, thậm chí báo cáo Quốc hội.

Ngày 8.6, nêu ý kiến thảo luận tại tổ về dự án luật Công đoàn (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề kinh phí công đoàn là một trong những nội dung được các tổ chức công đoàn quan tâm nhiều nhất.

Theo ông Dung, ngoài phí công đoàn thì khoản 2% kinh phí công đoàn do doanh nghiệp và người sử dụng lao động đóng góp. Mục tiêu là để chi chăm lo đời sống người lao động và chi cho tổ chức bộ máy, hoạt động của công đoàn vì hiện nay công đoàn không lấy vào ngân sách nhà nước.

'Kinh phí công đoàn 2% không phải ào ào, muốn ai quản lý thì được đâu'- Ảnh 1.

Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung

GIA HÂN

Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho hay, thực tiễn hiện nay chỉ còn vài quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam đang duy trì khoản thu kinh phí công đoàn này, còn lại các nước gần như không còn.

"Bản thân 2% là một sắc thuế, chứ không phải đơn thuần đâu ạ. Vì vậy, tôi tán thành ý kiến của Ủy ban Xã hội Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật - PV) là cần phải báo cáo xem việc sử dụng 2% kinh phí công đoàn thời gian qua như thế nào, mặt được và chưa được ra sao?", ông Dung nêu đề nghị.

Theo ông Dung, tài chính công đoàn phải có kế hoạch định kỳ hoặc thời gian nhất định để thực hiện kiểm toán hoặc thanh tra. "Tôi thì rất ủng hộ anh Khang (Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - PV). Tuy nhiên, là một sắc thuế phải quản lý theo sắc thuế, không phải ào ào được, muốn ai quản lý thì được đâu ạ. Sử dụng kinh phí công đoàn như thế nào, thậm chí sau này phải báo cáo Quốc hội cho định hướng…", ông Dung nói.

Cạnh đó, theo ông Dung, trước đây, khoản kinh phí 2% này chỉ có công đoàn sử dụng, tuy nhiên, tới đây theo dự thảo thì còn các tổ chức người lao động khác.

"Anh xử lý thế nào? Phân phối 2% này thế nào là chuyện phải bàn", ông Dung nói, và cho hay, kinh nghiệm các nước nếu như có nhiều tổ chức của người lao động thì thành lập một ủy ban điều phối.

"Không khéo vì cái này mà hình thành nhiều tổ chức lao động khác nhau. Phân phối không cẩn thận có khi mất đoàn kết", ông Dung nói.

Từ các phân tích, ông Dung nhắc lại đề nghị cần có báo cáo đầy đủ về sử dụng khoản kinh phí công đoàn. Cùng đó, việc phân phối khoản kinh phí này không nên quy định cứng vào luật mà nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết. "Nếu đưa vào luật cứng công đoàn cơ sở bao nhiêu, cấp trên bao nhiêu sau này sẽ khó xử", Bộ trưởng Dung nói thêm.

Quốc hội sẽ quyết việc luật Đất đai có hiệu lực sớm từ 1.8 vào cuối tháng

Cân nhắc thấu đáo, đánh giá kỹ tác động

Về quyền gia nhập công đoàn của người lao động nước ngoài tại điều 5 dự thảo luật, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, đây là vấn đề cân nhắc thấu đáo.

Ông Dung cho hay, luật Công đoàn năm 2012 đã bàn vấn đề này nhưng thời điểm đó vấn đề này chưa chín, chưa rõ nên không đưa vào. Vì vậy, lần này dự thảo đưa ra nội dung này cần đánh giá kỹ lưỡng mặt được và không được.

"Tôi không biết khi công đoàn đưa vấn đề này thì đã tham khảo bản thân người lao động nước ngoài người ta có muốn tham gia công đoàn không? Tôi chưa thấy có báo cáo nào đánh giá cái này. Nếu như chúng ta tạo điều kiện, để người nước ngoài tham gia, khi công đoàn có thành viên là người nước ngoài trong trường hợp thêm các quyền liên kết xử lý như thế nào?", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu.

Bộ trưởng nhấn mạnh việc tổ chức công đoàn là tổ chức chính trị xã hội, không phải tổ chức xã hội đơn thuần. Đánh giá đây là vấn đề lớn, quan trọng, ông Dung nhắc lại cần phải đánh giá một cách kỹ lưỡng về tác động, đặc biệt là tác động liên quan tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của vấn đề này.

Về việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của các tổ chức người lao động tại doanh nghiệp, ông Dung cho hay, vấn đề này được nêu tại Hội nghị T.Ư 6, bộ luật Lao động đã quy định. Vì vậy, việc đưa nội dung này vào dự luật có cơ sở, đảm bảo thống nhất hệ thống pháp luật.

Theo ông Dung, các tổ chức khác tham gia tổ chức công đoàn và chịu sự điều phối, lãnh đạo của tổ chức công đoàn là tốt, điều này thực hiện đúng tinh thần của Bộ Chính trị, của Hội nghị T.Ư 6 nhằm thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia công đoàn.

Tuy vậy, ông Dung đề nghị phân tích ưu nhược điểm từng phương án cho đầy đủ, toàn diện hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.