Trình Quốc hội 2 phương án phân phối khoản kinh phí công đoàn 2%

Lê Hiệp
Lê Hiệp
03/06/2024 14:45 GMT+7

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trình Quốc hội 2 phương án phân phối khoản kinh phí công đoàn 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tại dự thảo luật Công đoàn sửa đổi.

Chiều 3.6, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã trình Quốc hội dự thảo luật Công đoàn sửa đổi. Theo ông Khang, dự thảo luật đã hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam.

Trình Quốc hội 2 phương án phân phối khoản kinh phí công đoàn 2%- Ảnh 1.

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang

GIA HÂN

Ông Khang cho hay, luật Công đoàn năm 1957 và luật Công đoàn năm 1990 đều đã quy định về nguồn thu tài chính công đoàn. Tới luật Công đoàn 2012 quy định: kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Theo Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đây là cơ sở pháp lý quan trọng, được thực hiện ổn định và phát huy hiệu quả trong việc bảo đảm điều kiện vật chất cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, chăm lo tốt hơn cho người lao động, tạo sự gắn kết lâu dài, bền chặt giữa người lao động với tổ chức công đoàn và doanh nghiệp. Hiện nay, Tổng Công hội (Công đoàn Trung Quốc) cũng duy trì mức thu 2% kinh phí công đoàn.

Ông Khang cũng cho biết, Nghị quyết số 06 năm 2016 của T.Ư xác định phải "tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam".

Từ các lý do trên, ông Khang cho rằng, việc tiếp tục bảo đảm nguồn kinh phí công đoàn trong luật Công đoàn là hết sức cần thiết.

Trình Quốc hội 2 phương án phân phối khoản kinh phí công đoàn 2%- Ảnh 2.

Quốc hội sẽ thảo luận luật Công đoàn sửa đổi tại kỳ họp 7 đang diễn ra

GIA HÂN

Tuy nhiên, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận, thời gian qua, việc công khai, tuyên truyền để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nắm bắt và hiểu đúng việc thu, chi, sử dụng tài chính công đoàn, nhất là kinh phí công đoàn của Công đoàn Việt Nam còn một số hạn chế, chưa tạo được sự đồng thuận cao, còn tình trạng băn khoăn về mục đích, cách thức sử dụng nguồn kinh phí này.

Trong khi đó, bộ luật Lao động 2019 đã cho phép thành lập "tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp", mà quyền và trách nhiệm của tổ chức này trong quan hệ lao động được đảm bảo bình đẳng với tổ chức công đoàn ở cơ sở.

Do đó, ông Khang cho biết, dự thảo luật đã bổ sung quy định về trích kinh phí công đoàn 2% cho các cấp công đoàn và cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo 2 phương án.

Theo đó, phương án 1 quy định kinh phí công đoàn 2% "được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định của Chính phủ".

Còn phương án 2 quy định, kinh phí công đoàn 2% do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; 75% còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp do Chính phủ quy định.

Cho biết đây là một trong các vấn đề còn ý kiến khác nhau, ông Khang cho hay, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị chọn phương án thứ nhất vì cần đảm bảo sự khách quan, tôn trọng quyền bình đẳng giữa các tổ chức.

Theo ông Khang thì với phương án 1, Chính phủ chỉ cần quy định việc phân phối kinh phí công đoàn cho những nơi (doanh nghiệp) đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và cấp phép hoạt động hợp pháp. Trong khi đó, việc ra đời và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là vấn đề mới, chưa có thực tiễn.

Dự thảo luật Công đoàn sửa đổi tiếp tục quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Theo chương trình, dự thảo luật sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp 7 và thông qua tại kỳ họp 8 vào cuối năm nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.