Họp Hội đồng Tiền lương quốc gia:

Công đoàn đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 5 - 6%

Thu Hằng
Thu Hằng
09/08/2023 10:47 GMT+7

Tại phiên họp thứ nhất Hội đồng Tiền lương quốc gia đang diễn ra sáng nay 9.8 tại Quảng Ninh, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ở mức từ 5 - 6%.

Cuộc họp thảo luận lương tối thiểu vùng năm 2024 có sự tham gia của các thành viên hội đồng là đại diện của người lao động, giới chủ sử dụng lao động, các chuyên gia độc lập… và được chủ trì bởi ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Công đoàn bất ngờ đề xuất tăng lương tối thiểu 5 - 6% - Ảnh 1.

Công đoàn đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 cho người lao động ở mức 5 - 6%

SƠN NGUYÊN

Khác với những năm trước, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam luôn chủ động đưa ra các phương án đề xuất từ rất sớm. Tuy nhiên, năm nay, đại diện cho phía người lao động giữ kín phương án đề xuất đến phút chót.

Sau khi công bố kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 vào ngày 8.8, trong phiên họp sáng nay 9.8, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam đã trình bày quan điểm và đưa ra phương án tăng lương.

Dẫn lại số liệu kết quả khảo sát, có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ thu nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.

Đáng chú ý, chỉ có 8,1% người lao động có dư tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam), nêu quan điểm: "Chúng tôi chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Vì vậy, đề xuất mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2024 ở mức 5 - 6% là để bù đắp chỉ số trượt giá và để duy trì tiền lương thực tế cho người lao động".

Theo ông Quảng, trong bối cảnh hiện nay, trong hơn 1 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao, trong khi người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập, đời sống n gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng rất quan trọng, cần được đưa ra xem xét khi điều chỉnh lương tối thiểu, để vừa đảm bảo động viên người lao động làm việc có năng suất, chất lượng, làm sao để tiền lương thực sự là động lực cải thiện điều kiện làm việc, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhưng cũng hài hòa với khả năng chi trả.

Để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình, qua khảo sát các công đoàn cơ sở kiến nghị, mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2024 cần điều chỉnh tăng 11,34%. Thời điểm điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng cho người lao động cần cân nhắc thời điểm phù hợp để giảm thiểu tác động đến người lao động và doanh nghiệp.

Theo kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện trong tháng 4 vừa qua, lương thấp, thiếu việc làm thêm đã tác động trực tiếp đến cuộc sống gia đình, chăm sóc con cái, dinh dưỡng hàng ngày… của người lao động

Trong đó, tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của 53,7% người lao động và quyết định con của 72,0% người lao động.

Chỉ có 26,2% người lao động có điều kiện để ăn thịt, cá trong các bữa ăn hàng ngày; 10,3% người lao động cho biết với thu nhập hiện nay họ ít khi (1 lần/tuần) có điều kiện để ăn thịt, cá trong bữa ăn tại gia đình. Đặc biệt, có tới 46,5% người chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản để chữa bệnh.

Về nhà ở, người lao động phải dùng 23,6% tiền lương và 17,9% thu nhập hàng tháng để trả tiền thuê nhà. Khoản tiền mà người lao động phải bỏ ra ở vùng 1 trung bình là 1,8 triệu đồng/tháng (bao gồm cả điện, nước), số tiền này chiếm 23,6% tiền lương và 17,9% thu nhập hàng tháng của người lao động.

Có 12,3% người lao động từng rút BHXH một lần, số lần rút trung bình là 1,13 lần. Trong đó, người rút nhiều nhất là 4 lần và người rút thấp nhất là 1 lần.

Có 17,3% công nhân lao động được khảo sát phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% trong số đó thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an.

Có tới 17,6% người lao động không sống cùng con dưới 18 tuổi vì lý do tiền lương thấp; 2,2% người lao động chưa từng mua sữa công thức (sữa bột) cho con dưới 6 tuổi và chỉ có 37,7% người lao động có tiền lương đủ để đảm bảo 100% nhu cầu học tập của con.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.