(TNO) “Tôi từng bị hỏi nhiều lần: Bao giờ cho ăn cỗ, cho ăn bánh kẹo? Nó khiến tôi không muốn dự hội hè đình đám, ngại dịp lễ tết vì không muốn đối diện với những câu hỏi rất áp lực như vậy”.
>> Chuyện tình người đồng giới - Kỳ 1: Hai cô gái và mối tình đầy ‘kinh ngạc’
>> Chuyện tình người đồng giới - Kỳ 2: Hai chàng trai và 12 năm bên nhau
>> Chuyện tình người đồng giới - Kỳ 3: Sống chung với… áp lực
|
Đó là chia sẻ của anh Trần Khắc Tùng, Giám đốc Trung tâm ICS - Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) tại Việt Nam, trong tọa đàm “Không kết hôn, nói sao với cha mẹ?”, diễn ra vào ngày 11.7 tại TP.HCM.
Anh Huỳnh Minh Thảo, một thành viên LGBT, đưa ra câu hỏi mà cũng hàm chứa câu trả lời: “Tại sao lập gia đình lại trở thành một gánh nặng đối với thành viên LGBT, thậm chí có bạn nói đến là nổi da gà? Nhu cầu lập gia đình ai cũng muốn cả, nhưng phải với người mình yêu thương”.
Điều đặc biệt ở buổi tọa đàm này là có sự tham dự của một số phụ huynh có con em là thành viên LGBT.
Một người mẹ tên Thủy tâm sự, bà có đứa con trai vốn là cháu đích tôn trong dòng họ. Áp lực chất chồng, nên ngay cả khi đã biết con mình là đồng tính nam (gay), bà cũng vẫn thuyết phục, động viên con cố gắng lập gia đình. “Thực ra, mình lo là lo cho mình, lo nhà chồng không yêu thương mình nữa, chứ không nghĩ đến tâm trạng của con. Sau này, tôi nhận ra rằng nếu ép con lấy người mà nó không yêu thương thì nó không thể có hạnh phúc được”, bà Thủy bộc bạch.
Một bà mẹ tên Ly nêu suy nghĩ: “Không nên thúc ép hoặc bắt con em mình làm bức bình phong trong hôn nhân. Điều này để lại hậu quả cho những người vợ/chồng và những đứa con vô tội”.
Trước câu hỏi đau đáu thường gặp trong giới LGBT: “Làm sao giữ được chữ hiếu và cũng giữ được tình cảm riêng, khi mà gia đình luôn tạo áp lực, thúc ép lấy vợ/chồng sinh con?”, một bà mẹ tên Nhi có vẻ cởi mở: “Chữ hiếu đối với tôi không phải để duy trì nòi giống, không nhất thiết phải sinh con. Tôi cho rằng cái gọi là cấu trúc gia đình gồm hai người sống chung là được rồi, không quan tâm là giới gì, miễn sao họ yêu thương, chăm sóc nhau những lúc bệnh hoạn”.
Bà Nhi nói thêm: “Lúc nào tôi cũng muốn con mình suôn sẻ. Đến khi cảm nhận được con mình đang rất đau khổ, tôi mới thức tỉnh. Trên thực tế, có những người dị tính đến với nhau không bằng tình yêu, khi sống chung tình cảm vẫn có thể nảy sinh. Thế nhưng, khi con mình là đồng tính, thì không thể nào có một diễn biến như người dị tính được, bởi không thể có sức hút giữa người nam và người nữ".
Ông Ngô Minh Uy, Giám đốc Công ty WE Link, Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục TPHCM, khẳng định: “Không phải người đồng tính có sẵn tính hung hăng, bạo lực mà do họ bị kỳ thị, bị bế tắc khủng hoảng nên sinh ra như vậy. Do đó, chúng ta không chỉ tư vấn cho những người đồng tính mà còn phải tác động, thay đổi cách thức nhìn nhận của xã hội đối với người đồng tính".
Ra mắt Dịch vụ tư vấn về LGBT Cũng trong ngày 11.7, Trung tâm ICS đã ra mắt Dịch vụ tư vấn về LGBT. Thông qua sự phối hợp với những chuyên viên tư vấn thuộc Công ty WE Link và một số văn phòng luật sư, ICS cho biết sẽ tập trung tư vấn ở hai mảng chính là tâm lý và pháp lý cho những người đồng tính, chuyển giới và những người quan tâm. Đặt lịch hẹn với tư vấn viên qua số điện thoại: 08.39405140, hoặc truy cập trang tư vấn online: http://tuvanLGBT.vn. Địa chỉ văn phòng tư vấn: Phòng 21A2, tòa nhà Copac, 12 Tôn Đản, Q.4, TP.HCM. Miễn phí cho khách hàng dưới 18 tuổi hoặc trên 18 tuổi nhưng không có khả năng chi trả. |
Như Lịch
>> Ellen Page: 'Tôi là người đồng tính
>> 1,65 triệu người đồng tính ở VN: Đa số muốn sinh con
>> Người đồng tính thà nghỉ việc chứ không thú nhận
>> Khi người đồng tính tự kể chuyện mình
Bình luận (0)