(TNTS) Cộng hòa Czech có nhiều công trình kiến trúc tuyệt mỹ. Nhưng không chỉ là vẻ đẹp, những triết lý sâu xa mà người xưa gửi gắm vào các công trình kiến trúc ấy và cả tấm lòng của người Việt nơi đây là câu chuyện thú vị hơn nhiều...
Một góc của thủ đô Praha |
Trong hành trình của mình, chúng tôi được đến thành phố nổi tiếng Karlovy Vary và thủ đô Praha cổ kính.
Thiên đường nghỉ dưỡng Karlovy Vary
Chúng tôi đến Karlovy Vary trước, thành phố nằm cách Praha 126 km, gần biên giới phía đông nước Đức với thời gian di chuyển khoảng 1 giờ 40 phút. Xe lao vun vút qua những cánh đồng cỏ xanh mượt, những nông trại thấp thoáng xa xa với những chú bò đang gặm cỏ. Thỉnh thoảng lại gặp một vài cửa hàng bán đồ gốm sứ trang trí cho sân vườn với những bình hoa, phù điêu và tượng trang trí bày la liệt hai bên vệ đường, trông khá sinh động.
Từ bãi đậu xe, chúng tôi lên shuttle bus đi khoảng 3 km, sau đó đi bộ vào trung tâm phố cổ của Karlovy Vary. Một dòng suối uốn lượn quanh co, dòng nước trong vắt chảy róc rách, hai bên là những dãy nhà san sát nhau với kiến trúc đậm chất châu Âu. Karlovy Vary nhỏ nhắn và nhẹ nhàng. Từ thời Trung cổ nơi đây đã là một điểm nghỉ dưỡng yêu thích của giới quý tộc châu Âu bởi có suối khoáng nóng ngày đêm tuôn chảy, dòng nước ấm giàu khoáng chất rất tốt cho sức khỏe. Các trung tâm tắm khoáng, spa rất phát triển ở đây. Một nhà tắm khoáng có lối kiến trúc theo kiểu mái vòm có kính màu tuyệt đẹp được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước cho đến nay vẫn còn được dùng làm trung tâm tắm khoáng cho du khách.
Đặc biệt, ngay ở đầu một con phố, có một khách sạn khá sang trọng, bề thế với kiến trúc đẹp - khách sạn Grandhotel Pupp. Khách sạn có quy mô 228 phòng, được xây dựng từ năm 1701. Nội thất bên trong khách sạn rất xa hoa, những tấm thảm với nhiều hoa văn và màu sắc trang trí họa tiết cầu kỳ, tinh xảo. Đến năm 2006, khách sạn này càng trở nên nổi tiếng vì được dùng làm bối cảnh quay bộ phim Sòng bạc Hoàng gia. Hằng năm, Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary cũng được tổ chức tại đây.
Dọc theo hai bên con phố có rất nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm. Đặc biệt, cuối một con phố của Karlovy Vary có một vài cửa hàng của người Việt chuyên bán các loại sản phẩm pha lê Bohemia và các hiệu khác của Tiệp. Chúng tôi gặp chủ tiệm tên Cường, chú đến Tiệp từ những năm 1980. Bất ngờ khi gặp đồng hương, chúng tôi trò chuyện khá lâu về cuộc sống của người Việt trên đất khách. Những món quà lưu niệm tôi mua được giảm giá rẻ hơn. Mãi đến khi trời sắp tối, chúng tôi mới lên xe quay về lại Praha... Hai bên quyến luyến mãi không thôi. Chân khó bước đi không chỉ bởi sau lưng chúng tôi là thành phố Karlovy Vary xinh đẹp và yên bình mà vì nơi ấy còn có những tấm chân tình đến cảm động.
Thành phố Karlovy Vary
|
Triết lý từ chiếc đồng hồ ở Praha
Praha là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Cộng hòa Czech. Mặc dù trải qua 2 cuộc chiến tranh thế giới, nhưng thủ đô Praha gần như không bị tàn phá. Những công trình kiến trúc cổ kính được bảo tồn khá nguyên vẹn. Từ trên cao, thành phố nổi lên giữa bầu trời xanh với hàng trăm mái chóp nhọn, những hàng cây rợp bóng mát, những ngọn đồi nhấp nhô, những con phố cổ lát đá quanh co...
Cũng như bao thành phố cổ của châu Âu khác, những chiếc cầu bắc qua sông luôn là nơi níu bước chân tôi dừng lại lâu nhất. Tôi có thể đứng hàng giờ trên những cây cầu để ngắm dòng người qua lại. Nhìn dòng nước nhẹ trôi, bầu trời xanh vời vợi, tôi miên man thả hồn theo những xúc cảm của thời gian. Chiếc cầu kia đã chứng kiến bao cảnh buồn vui của thời cuộc...
Chiếc cầu tôi đang đứng là một trong những chiếc cầu cổ xưa nhất của Praha, cầu Charles. Cầu mang nét đẹp lãng mạn nên rất được các cặp tình nhân yêu thích và nó còn có tên gọi khác do người Việt ở Cộng hòa Czech đặt cho là cầu Tình. Chiếc cầu được xây dựng từ những năm 1357 dưới thời vua Charles đệ tứ. Mất hơn 50 năm để hoàn thành. Chiếc cầu đã tồn tại qua nhiều thế kỷ nhưng vẫn còn khá vững chắc. Dọc theo hai bên cầu, những bức tượng với những chủ đề khác nhau được chạm trổ khá công phu, sắc sảo.
Rời cầu Tình, tôi đi về phố cổ, nơi có tòa thị chính và chiếc đồng hồ thiên văn được làm từ hơn 6 thế kỷ trước. Theo một số nhà nghiên cứu, chiếc đồng hồ này được làm từ năm 1410. Ngày nay, nó vẫn còn chạy khá chính xác và là một điểm tham quan không thể bỏ qua đối với du khách thập phương. Tương truyền, vào thế kỷ 15, có một người thợ làm đồng hồ tên là Hanus đã làm ra chiếc đồng hồ này. Do nó quá đẹp và độc đáo, nên rất nhiều người muốn đặt ông làm một chiếc đồng hồ như thế, nhưng tất cả đều bị ông khước từ. Ông giữ bí mật hoàn toàn về cơ chế hoạt động của nó.
Rồi đến một ngày, có người đồn rằng Hanus sẽ làm một chiếc đồng hồ khác to hơn, đẹp hơn cái hiện tại. Viên quan tổng trấn cảm thấy ghen tị. Ông quyết định chọc mù mắt người thợ làm đồng hồ này để ông không thể làm cái thứ hai. Để trả thù, người thợ đã phá hỏng nó. Và chiếc đồng hồ bị hư, không hoạt động trong thời gian dài. Mãi hơn một thế kỷ sau mới có người sửa được nó.
Ngày nay, khi đến đây, các du khách đều dành thời gian để đến ngắm chiếc đồng hồ trứ danh ấy. Chiếc đồng hồ khá to, có 3 tầng, được gắn trên vách tường bên phải của tòa thị chính với những họa tiết và hình ảnh minh họa cho hệ mặt trăng và mặt trời. Cứ mỗi giờ, chiếc đồng hồ sẽ reo, có một chú gà trống sẽ cất tiếng gáy, lúc ấy hai cánh cửa sổ mở ra. Đồng hồ có tượng của 12 vị tông đồ của Chúa và họ sẽ đi một vòng tròn. Bên mặt trước phía dưới có một vị thần chết. Trên tay thần cầm một cái chuông và ông bắt đầu rung. Ngang hàng với thần chết có 3 bức tượng: người thứ nhất cầm một cái gương soi; người thứ hai trên tay cầm túi tiền và một thanh gươm; vị thứ ba ôm một cây đàn. Khi nghe tiếng chuông gọi hồn của thần chết, cả ba đều lắc đầu từ chối. Họ hãy còn trẻ lắm, họ hãy còn nhiều tiền lẫn quyền lực. Họ hãy còn yêu đời lắm. Làm sao họ có thể chấp nhận cái chết được?
Tuy nhiên, thần chết không chừa một ai cả. Họ cứ chối từ, nhưng thần chết vẫn cứ làm phận sự của ngài. Tiếng gõ nhịp thời gian của chiếc đồng hồ kết thúc. Cánh cửa khép lại. Mọi vật trở về vị trí cũ. Tôi vẫn còn đứng đó ngắm nhìn chiếc đồng hồ. Những triết lý của người xưa để lại thâm sâu quá. Mọi thứ là vô thường, nhưng để chấp nhận và ngộ ra lẽ vô thường là điều không dễ cho tất cả mọi người từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á. Chiếc đồng hồ vẫn cứ tí tách gõ đều nhịp thời gian... Một Praha rất thật, một thành phố đẹp lung linh, nhưng có một chút gì đó đang mờ ảo trước mắt tôi. Bầu trời Praha dần nhạt nắng...
Bình luận (0)