Công khai dự án thế chấp ngân hàng, sao phải lo lắng?

12/08/2016 08:00 GMT+7

Việc công bố 77 dự án nhà ở tại TP.HCM, 34 dự án tại Hà Nội là góp phần làm minh bạch thị trường và bảo vệ quyền lợi người mua nhà, dù một số doanh nghiệp không hài lòng vì bị ảnh hưởng.

Thị trường bất động sản ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng, trong đó khoảng 70% là vốn ngân hàng. Vì thế, nhiều chuyên gia tin rằng, những dự án thế chấp ngân hàng công bố mới đây chỉ là “phần nổi của tảng băng” và hầu hết các dự án bất động sản đều phải thế chấp để vay vốn ngân hàng.
Trong một cuộc tọa đàm tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho rằng, việc doanh nghiệp thế chấp dự án, nhà ở, công trình để vay vốn ngân hàng phát triển dự án, sau đó giải chấp là chuyện bình thường. Một số chủ đầu tư thế chấp dự án để ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh dự án cũng không có gì bất thường.
Thế chấp chỉ trở thành bất thường khi dự án không đủ điều kiện vẫn bán nhà, dự án đã bán nhà mà vẫn thế chấp, hoặc chủ đầu tư không thông báo với khách hàng là dự án đã thế chấp và không giải chấp căn hộ đã bán.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc một dự án có thế chấp không phải là vấn đề lớn, quan trọng dự án đó thực hiện thế nào, pháp lý đến đâu, giao nhà có đúng cam kết hay không và có xác nhận của Sở Xây dựng đủ điều kiện bán nhà hay không. Thậm chí, có chuyên gia còn nhấn mạnh, chỉ những doanh nghiệp nhỏ mới không đi vay, còn đa phần doanh nghiệp đều sử dụng đòn bẩy tài chính thì mới lớn mạnh được. Xét dưới góc độ này, những dự án được ngân hàng cho vay lại là những dự án tốt, vì ngân hàng phải hiểu rõ năng lực của chủ đầu tư trước khi nhận thế chấp và cho vay.
Tại cuộc hội thảo, bà Vũ Thị Khuyên, Trưởng văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho rằng, người dân đang hiểu nhầm dự án thế chấp là do doanh nghiệp yếu, trong khi đó lại là điều hết sức bình thường.
Đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng cho rằng, việc thế chấp một phần tài sản trên đất của dự án căn hộ cao cấp D’. Le Pont D’or - Hoàng Cầu để vay vốn ngân hàng phát triển dự án là nghiệp vụ tài chính bình thường và phù hợp với Điều 147 Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1.7.2015: “Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó”. Việc công khai thông tin ngân hàng nhận thế chấp dự án cũng nên xem là tích cực vì góp phần làm minh bạch thị trường bất động sản và giúp quyền lợi khách hàng được đảm bảo.
Đại diện Tân Hoàng Minh khẳng định, chỉ những chủ đầu tư nào có uy tín, chỉ những dự án nào có triển vọng kinh doanh tốt thì ngân hàng mới nhận thế chấp và cho vay vốn. Và khi đã cho vay vốn thì ngân hàng sẽ quản chặt dòng tiền, buộc chủ đầu tư phải lập tài khoản để khách hàng nộp tiền. Mọi khoản thu, chi của chủ đầu tư cũng được ngân hàng giám sát chặt chẽ, đảm bảo tiền được sử dụng đúng mục đích.
Theo đại diện của Tân Hoàng Minh, ngân hàng sẽ giám sát chặt chẽ quá trình kinh doanh của dự án. Khi chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng, chủ đầu tư và ngân hàng sẽ tiến hành giải chấp căn hộ đó. Sau khi giải chấp, khách hàng có thể thế chấp chính căn hộ đó để vay vốn ngân hàng nếu có nhu cầu. Đây là cách tránh việc một tài sản thế chấp hai lần, tránh rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng. Chính vì thế, việc chủ đầu tư thế chấp một phần tài sản dự án D’. Le Pont D’or - Hoàng Cầu không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của khách mua nhà cũng như việc cấp sổ đỏ sau này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.