Công nghệ chân giả mới giúp người mang cảm nhận được... chân giả

Ngọc Quý
Ngọc Quý
07/10/2019 13:46 GMT+7

Dù chân giả nhưng người mang vẫn có thể cảm nhận được mỗi khi đầu gối gập lại hay bàn chân chạm mặt đất. Công nghệ mới này đang tiến gần hơn đến việc giúp người khuyết tật cảm nhận bộ phận giả như một phần cơ thể.

Một trong những hạn chế lớn nhất khi sử dụng chân, tay giả với người khuyết tật là họ không thể cảm nhận được bộ phận giả đó. Điều này có thể khiến họ khó giữ thăng bằng và tăng nguy cơ té ngã, theo Daily Mail.
Để giảm nguy cơ té ngã, người mang chân giả phải cẩn thận và lúc nào cũng phải quan sát xem nơi mình đặt chân lên có đúng vị trí cân bằng hay không.
Trong một phát minh mới đây, các nhà khoa học tại Đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ) đã đạt được những bước tiến mới. Họ chế tạo thành công chiếc chân giả mà người khuyết tật có thể thực sự cảm nhận được nó.
Nhóm khoa học làm được điều này bằng cách cấy 4 điện cực vào dây thần kinh xương đùi. Những điện cực này chỉ lớn hơn một chút so với sợi tóc.
Chân giả sẽ có 8 cảm biến. Các cảm biến sẽ gửi tín hiệu đến các điện cực và giúp người mang có thể cảm nhận được mỗi khi chân giả gập đầu gối hay bàn chân chạm vào bề mặt thứ gì đó. Đây là lần đầu tiên công nghệ được áp dụng theo cách này.
Trong thí nghiệm tiến hành trên 3 người bị mất chân do tai nạn giao thông, nhóm khoa học phát hiện chân giả mới đã giúp họ đi cầu thang nhanh hơn và giảm đến 30 % số lần vấp ngã, theo Daily Mail.
Khi theo dõi não bộ 3 người tham gia, họ cũng nhận thấy não có thể cảm nhận được áp lực, rung và cảm giác ngứa ran ở 27 khu vực khác nhau của chân giả.
“Chân giả không thể hoạt động như chân lành lặn nên người bị mất chân hay bị ngã và có thể thương nặng. Những điện cực trong chân giả giúp người mang dễ kiểm soát chân hơn vì họ có thể cảm nhận được nó như một phần cơ thể mình”, giáo sư Stanisa Raspopovic, người dẫn đầu nghiên cứu cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.