5 tính năng đi trước thời đại của điện thoại LG

26/10/2019 18:47 GMT+7

LG đang có khoảng thời gian khó khăn với mảng kinh doanh di động khi một lượng lớn người dùng quay lưng với họ. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không phải do họ thiếu tính sáng tạo.

Theo PhoneArena, LG thực ra đã đi trước đối thủ trong một số giai đoạn nhưng tất cả vẫn chưa đủ để lôi kéo người dùng. Sau đây là những tính năng mà LG đã áp dụng trên điện thoại thông minh của họ, trước cả các đối thủ sừng sỏ khác.

Camera góc rộng

Camera trước của V10 dùng cảm biến kép 5 MP

Ảnh: T.Luân

Dĩ nhiên đây là tính năng đáng chú ý nhất. Điện thoại LG đã sở hữu camera góc rộng trong vài năm trước. Đầu tiên, ra mắt vào năm 2015, chiếc LG V10 với bộ đôi camera “tự sướng” gồm một ống kính “thường” và một ống kính góc rộng hỗ trợ chụp nhóm. Năm tiếp theo, ống kính góc rộng được đưa ra mặt lưng trên điện thoại LG G5, lần đầu mang đến cho người dùng trải nghiệm như đang sử dụng camera hành động trên một chiếc điện thoại.
Khi đó, tính năng này chẳng hề nhận được sự quan tâm lớn. Và giờ đây, trong 2019, camera góc rộng lại trở thành xu hướng.

Độ phân giải QHD

Màn hình QHD của G3

Ảnh: LG

LG G3 là điện thoại đầu tiên có màn hình QHD (1.440 x 2.560) được sản xuất hàng loạt. Đó là vào năm 2014, khi chỉ có Sony và Apple là không cố gắng đẩy độ phân giải màn hình vượt qua giới hạn thông thường.
Nói cho công bằng, LG đã làm điều đó trước với chiếc G3. Đây lại là lựa chọn vội vàng để theo kịp xu hướng, dẫn đến kết quả là một điện thoại có màn hình mờ và tốn pin. LG rất muốn làm cho màn hình G3 nổi bật vì độ phân giải 1.440 x 2.560 hầu như không mang lại kết quả hiển thị tốt trên màn hình 5,5 inch. Họ thêm vào phần mềm làm sắc nét hình ảnh nhưng đối với đa số người dùng thì quyết định này chẳng khiến tình hình khá hơn.

Khung thép không gỉ

Mặt lưng bằng silicon trên V10

Ảnh: T.Luân

Những ai từng dùng iPhone X, XS hoặc iPhone 11 Pro thì sẽ biết cảm giác cầm nắm chắc chắn và dễ chịu trên tay. Thật ra LG V10 đã sử dụng khung thép không gỉ trước tất cả, vào năm 2015. Đáng tiếc, nó lại đi kèm vỏ nhựa mỏng manh ở mặt sau. Tại thời điểm đó, pin rời vẫn còn phổ biến và khung kim loại khiến việc tháo nắp lưng khó khăn hơn.

Màn hình cong

LG FLEX 2 có độ uốn công hợp lý hơn phiên bản đầu tiên

Ảnh: LG

Trước cả Samsung Galaxy Fold và Huawei Mate X, LG đã thử nghiệm màn hình OLED có khả năng uốn cong. Họ áp dụng công nghệ đó lên LG Flex và LG Flex 2. Màn hình OLED bằng nhựa và cách sắp xếp vị trí pin khéo léo đã cho phép người dùng đặt điện thoại lên bề mặt phẳng và tác động lực để nó dẹp xuống mà không làm vỡ màn hình. Khi không còn áp lực, điện thoại trở lại hình dạng uốn cong ban đầu một cách dễ dàng. Đáng tiếc, G4 là điện thoại màn hình uốn cong cuối cùng của LG.

Cử chỉ tay

Cảm biến 3D ToF trên G8

Ảnh: LG

Hiện tại, điện thoại Google Pixel 4 đang gây chú ý khi sở hữu một công nghệ giúp bạn dùng động tác tay để điều khiển một số tính năng, mà không cần chạm trực tiếp vào màn hình. Nhưng LG lại là kẻ làm điều đó trước với G8 trong năm nay. Camera của G8 cho phép bạn điều chỉnh âm lượng, đổi bài hát, mở ứng dụng ưa thích bằng cử chỉ tay thực hiện ở trước điện thoại.
Dẫu vậy, cả Google và LG cần cải thiện công nghệ này nếu họ thực sự nghiêm túc với nó, vì vẫn còn một số hạn chế nhất định. Và nếu nó trở thành xu hướng trong vòng 2 năm nữa, hãy nhớ rằng LG đã đi trước tất cả một bước.
Nhưng tất cả chẳng có nghĩa lý gì. “Đột phá” hay “sáng tạo” là những từ mà các hãng dùng rất nhiều trên điện thoại của họ. Nhưng rõ ràng, đó là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để bứt phá trong thị trường điện thoại. LG sở hữu đội ngũ kỹ thuật tài tình, bằng chứng là chiếc LG Flex. Họ đã tạo ra những thứ tuyệt vời trong những năm qua. Tuy vậy, họ gặp khó khăn trong việc quảng bá và vẫn thiếu một chút gì đó bền bỉ, dài hơi với sản phẩm của họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.