Big Tech đối mặt rủi ro lớn
Theo Bloomberg, các công ty internet lớn nhất của Mỹ đang nỗ lực chống lại quy tắc Trung gian (Intermediary) mới do chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ban hành hồi tháng 2.2021. Quan chức quốc gia Nam Á đã yêu cầu Facebook và Twitter phải gỡ bỏ hàng trăm bài đăng trong năm nay, tiết lộ thông tin nhạy cảm của người dùng và đệ trình chế độ quản lý bao gồm cả các điều khoản bỏ tù đối với giám đốc điều hành, nếu các hãng công nghệ lớn này không tuân thủ quy định.
Gần đây, chính phủ một số nước trên thế giới đã bắt đầu kiểm soát tầm ảnh hưởng to lớn của những gã khổng lồ công nghệ đối với dữ liệu người dùng và diễn ngôn trực tuyến. Tuy nhiên, việc chính quyền Ấn Độ bắt buộc các công ty internet phải chịu trách nhiệm về nội dung được đăng, và trong một số trường hợp bắt các giám đốc điều hành phải chịu trách nhiệm cá nhân, đã vượt quá những gì mà nhiều quốc gia khác yêu cầu, đồng thời cũng là điểm tranh chấp chính. Giới phê bình lo ngại rằng điều này sẽ tạo ra khuôn mẫu mới cho các chính phủ khác xâm phạm quyền riêng tư cá nhân dưới danh nghĩa an ninh quốc gia.
“Ấn Độ đã đưa ra những thay đổi hà khắc đối với các quy tắc của mình. Họ tạo ra những khả năng mới để chính phủ giám sát công dân. Những quy tắc này đe dọa ý tưởng về một môi trường internet cởi mở và tự do được xây dựng trên nền tảng của các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế”, tổ chức phi lợi nhuận Electronic Frontier Foundation viết.
WhatsApp, ứng dụng nhắn tin của Facebook, đang hầu tòa ở Ấn Độ với lập luận rằng các quy tắc mới sẽ phá vỡ hoạt động mã hóa, vốn là tính năng chính mà công ty đã quảng cáo trong hoạt động tiếp thị toàn cầu. Twitter cũng nằm trong tầm ngắm của chính quyền ông Modi. Giới quan chức Ấn Độ đề nghị Twitter nên bị tước bỏ tư cách nền tảng trung gian và phải chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung do người dùng đăng tải. Tháng 5.2021, Twitter đáp lại bằng cách gắn nhãn “phương tiện bị thao túng” trên các tweet của một số tài khoản được liên kết với đảng của ông Modi. Ngay lập tức, cảnh sát Ấn Độ đã vào cuộc điều tra các giám đốc điều hành cấp cao và văn phòng của công ty. Hoạt động kinh doanh của Twitter ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới bị đẩy vào tình trạng khó khăn. “Twiter đang trong tình thế không có lợi ở đây”, Mike Masnick, người sáng lập blog về chính sách công nghệ Techdirt, nói.
Theo Bloomberg, WhatsApp có hơn 530 triệu người dùng ở Ấn Độ, YouTube có khoảng 450 triệu và Facebook có hơn 410 triệu người dùng. Ấn Độ hiện là thị trường lớn nhất cho cả ba nền tảng này. Twitter, với số người dùng khiêm tốn hơn ở mức 17,5 triệu, cũng xác định Ấn Độ là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của mình. Tuy nhiên, phạm vi tiếp cận hạn chế đã khiến các công ty internet dễ bị tổn thương ở một quốc gia cho thấy họ sẵn sàng cấm những dịch vụ phổ biến của nước ngoài. Năm ngoái, Ấn Độ đã cấm TikTok, WeChat và hàng trăm ứng dụng phổ biến của Trung Quốc sau cuộc tranh chấp biên giới giữa hai nước.
Lấy hình mẫu từ Trung Quốc
Hiện có một số ý kiến cho rằng Ấn Độ dường như đang lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của nước láng giềng Trung Quốc. Trên thực tế, các quan chức của ông Modi đã tích cực chào hàng Koo, nền tảng truyền thông xã hội trong nước. “Tôi phải tưởng tượng rằng có lẽ ông Modi đang nhìn vào Trung Quốc và nghĩ rằng Ấn Độ cũng có thể vừa có được sự thịnh vượng về kinh tế, vừa thực hiện quyền kiểm soát độc tài đối với ngôn luận và truyền thông. Câu hỏi lớn lúc này là Ấn Độ sẽ đi theo hướng nào?”, Katie Harbath, cựu giám đốc chính sách công của Facebook, người đã làm việc với các quan chức của Ấn Độ hồi năm 2013, nói.
Trong những năm gần đây, Mỹ đã coi Ấn Độ như đối tác đối trọng với Trung Quốc và thúc đẩy hợp tác quốc phòng như một phần của nhóm bốn quốc gia, bao gồm Nhật Bản và Úc. Về phần mình, chính quyền của ông Modi cũng tìm cách thu hút các công ty muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi đại lục, tạo động lực để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ nói chung. Mối quan hệ giữa Ấn Độ với các nền tảng xã hội của Mỹ đã từng khá nồng ấm và hợp tác trong những năm đầu của chính quyền Modi.
Tuy nhiên, bà Katie Harbath cho biết bất cứ khi nào sự nổi tiếng của chính quyền bị giảm sút, thì kể từ đó họ sẽ có xu hướng trở nên tích cực hơn trong việc cố gắng định hướng truyền thông. Chính quyền của Modi mới đây nhất đã bị chỉ trích trên Twitter, nói rằng họ đã làm hỏng nỗ lực chống lại dịch Covid-19. Đáp lại, các nhà lãnh đạo đất nước đã tìm cách chặn những lời chỉ trích này.
Theo bà Katie Harbath, nếu không có áp lực buộc Ấn Độ phải hạn chế lại quyền lực trực tuyến của mình, điều mà ban biên tập của Washington Post đã lên tiếng kêu gọi trong tháng này, thì những công ty như Twitter sẽ cần phải cân nhắc cẩn thận các quyết định của mình để không bị lật đổ khỏi một thị trường rộng lớn như Ấn Độ, trong khi vẫn duy trì các nguyên tắc của chính phủ.
Bình luận (0)