Có dễ thu hồi tên miền Zalo.me và Zalo.vn?

19/07/2019 13:09 GMT+7

Hiện đã có yêu cầu dừng cung cấp dịch vụ và thu hồi 2 tên miền là Zalo.vn và Zalo.me, trực thuộc VNG. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi cho công tác quản lý mạng xã hội và tên miền ở Việt Nam.

Theo thanh tra của Sở, lý do thu hồi 2 tên miền là vì Zalo đã hoạt động mạng xã hội không phép và từng bị xử phạt hành chính vào năm 2018 vì lý do tương tự, nhưng họ vẫn tiếp tục hoạt động “chui” cho đến nay. Theo đó, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM yêu cầu các bên liên quan phải dừng cung cấp tên miền Zalo.vn và Zalo.me trước ngày 19.7.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Thanh Niên, đến 10 giờ sáng nay (19.7), cả hai tên miền zalo.me và zalo.vn vẫn hoạt động bình thường và đều được chuyển hướng về tên miền zalo.me, một tên miền quốc tế, bất chấp yêu cầu của Sở đưa ra trước đó.

Zalo đã khôn ngoan khi sử dụng cả tên miền quốc tế và trong nước?

Theo luật hiện hành, các tên miền có đuôi .vn đều do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý cũng như cấp phát, do vậy việc Zalo dùng chế độ chuyển hướng tên miền .vn sang .me cũng phần nào thể hiện sự dự phòng “nhạy cảm” đối với tên miền .vn trong nước, vốn dễ bị thu hồi nếu vi phạm. Tên miền .vn thường có mức giá cao hơn (thường khoảng 735.000 đồng/năm) các tên miền quốc tế, do gắn thêm yếu tố quốc gia.
Còn tên miền .me lại là một chuyện khác, vì nó là tên miền quốc tế. Hiện tên miền có đuôi .me như Zalo mua qua các dịch vụ cung cấp tên miền quốc tế như Godaddy sẽ chỉ mất có 3,49 USD (tương đương hơn 80.000 đồng) cho năm đầu và 9,9 USD cho các năm tiếp theo, tên miền này do Tổ chức quản lý Tên miền và Số hiệu mạng thế giới (ICANN) cung cấp thông qua các nhà phân phối. Nên về mặt pháp lý, việc thu hồi tên miền này cần thông qua tổ chức quốc tế này. Nếu tên miền Zalo.me do VNG mua thông qua một nhà cung cấp dịch vụ trong nước, thì việc thu hồi sẽ dễ hơn so với việc họ mua qua dịch vụ ở nước ngoài - không chịu sự quản lý của pháp luật trong nước.

Thông tin tra cứu dữ liệu WHOIS của tên miền Zalo

Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, theo cơ sở dữ liệu tên miền WHOIS, tên miền này do Công ty cổ phần VNG đứng tên và đang lưu trữ ở dịch vụ hosting nội bộ của VNG với DNS dẫn tới trang chủ của game Võ Lâm Truyền Kỳ (real.volam.zing.vn) - một game của VNG, nên việc xử lý hoàn toàn nằm trong tầm tay của các cơ quan trong nước. Tất nhiên, họ vẫn phải trình các văn bản đề nghị thu hồi với xác nhận của các cơ quan pháp lý có thẩm quyền trong nước và gửi tới ICANN.
Điều thú vị là theo dữ liệu WHOIS, thông tin tên miền này vừa được cập nhật vào hôm qua (18.7), ngay sau khi có thông báo của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. Một động thái cho thấy có sự ứng phó trước đề xuất của Sở.
Hiện Thanh Niên liên hệ với đại diện Zalo để có thông tin phản hồi, nhưng đại diện đơn vị này đã khóa máy.

Người dùng nói gì?

Tại Việt Nam, Zalo trở thành mạng xã hội phổ biến thứ hai - chỉ đứng sau Facebook. Khác với Facebook, Zalo chủ yếu được dùng để chat do ngôn ngữ giao diện và tốc độ thân thiện người dùng. Do vậy, trước thông tin Zalo bị thu hồi tên miền và yêu cầu ngừng dịch vụ, không ít người dùng Zalo ở Việt Nam tỏ ra hoang mang.
Anh T. - một người dùng Zalo ở TP.HCM cho biết, anh đã dùng mạng xã hội này được 6 năm và chủ yếu sử dụng để liên lạc với bạn bè và người thân nên anh tỏ ra khá lạc quan, “nếu Zalo bị cấm thì thật là tiếc, nhưng không ảnh hưởng lắm vì vẫn còn Facebook và nhiều ứng dụng thay thế”. Khác với anh T, chị H. đang làm nhân viên văn phòng ở Q.1 thường sử dụng Zalo để kinh doanh thêm về mỹ phẩm lại tỏ ra lo ngại, chị lo sẽ mất khách hàng khi chuyển qua nền tảng khác do khách hàng của chị đều đã quen giao dịch qua Zalo.
Tham khảo ý kiến của luật sư Giáng Hương thuộc Văn phòng luật sư Tam Đa (TP.HCM), chị cho biết mình mới chỉ đọc thông tin này vào sáng nay và chưa nắm rõ hết vụ việc. Nhưng theo quan điểm của chị, “doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam như Zalo vẫn cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật, nhất là khi họ đã nhận được “cảnh báo” từ một năm trước”. Tuy nhiên, ở góc độ của một người dùng Zalo hằng ngày, chị cho rằng các nhà quản lý nên tính đến lợi ích của người dùng bởi Zalo hiện đã trở thành một công cụ giao tiếp phổ biến của nhiều người Việt.
Trong khi đó, một chuyên gia làm việc trong lĩnh vực internet (giấu tên) chia sẻ, cần phải xem xét kỹ mô hình hoạt động của Zalo hiện nay là mạng xã hội hay là trang web, hoặc là ứng dụng OTT (Over-the-top), sau đó mới ra quyết định. Ngoài ra, do Zalo đang nắm giữ trong tay một lượng lớn người dùng nên cần phải cân nhắc các yếu tố xử lý. Bởi lẽ, nếu vội vàng sẽ có những tác hại không nhỏ tới đời sống xã hội vì có hàng chục ngàn doanh nghiệp, người dùng đang sử dụng Zalo trong kinh doanh và cuộc sống cá nhân.

Zalo Group lớn mạnh cỡ nào?

Zalo Group được VNG thành lập vào năm 2007 chủ yếu để hỗ trợ người dùng Zing.me - một mạng xã hội giải trí tại thời điểm đó và nay gần như đã khai tử. Sau đó, nhờ lợi thế giao diện tiếng Việt và cơ sở hạ tầng đặt tại Việt Nam nên Zalo dần thay thế Zing.me và từ một ứng dụng nhắn tin OTT trở thành một mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam, chỉ sau Facebook. Hiện mạng xã hội này đã vượt qua mốc 100 triệu người dùng, nói cách khác, hầu hết người dùng smartphone ở Việt Nam đều đã và đang sở hữu một tài khoản Zalo.
Dù luôn tự nhận là mạng xã hội của người Việt, nhưng trong quá khứ không ít lần Zalo bị đặt câu hỏi về nguồn gốc “nhạy cảm” khi bị nghi sử dụng mã nguồn từ ứng dụng Wechat của Trung Quốc, tuy nhiên họ đều phủ nhận và vẫn “sống khỏe” cho đến nay. Thậm chí, Zalo còn mở rộng ảnh hưởng bằng cách tham gia một số dự án hợp tác của các địa phương trong nước và mở kênh thanh toán Zalo Pay.
Ngoài Zalo, một đơn vị khác do VNG quản lý là Baomoi - một kênh tổng hợp tin từ nhiều đầu báo trong nước - cũng đang bị nhiều bên kiện vì tự ý khai thác tin bài mà không xin phép. Mới nhất, phía Realtimes cho biết họ đang chuẩn bị khởi kiện Baomoi khi dẫn nguồn trái phép hơn 300 bài viết từ trang này. Trong quá khứ, Zing MP3 - một đơn vị chuyên về mảng âm nhạc giải trí của VNG cũng không ít lần bị kiện vì các vụ vi phạm “đạo nhạc”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, kể cả khi bị khóa tên miền thì việc cấp lại cũng không quá khó, miễn là phía đơn vị chủ quản Zalo Group xin được giấy phép mạng xã hội từ Bộ Thông tin và Truyền thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.