Didi Chuxing đối mặt làn sóng tẩy chay ở Trung Quốc

30/08/2018 18:33 GMT+7

Cuộc khủng hoảng của hãng khởi nghiệp có giá trị nhất Trung Quốc cũng có thể làm tổn thương ngành công nghiệp gọi xe trực tuyến tại nước này.

Didi Chuxing gần đây rơi vào cảnh lao đao bởi ảnh hưởng từ vụ hãm hiếp và giết hại một hành khách nữ hồi cuối tuần trước. Theo CNN, phía cảnh sát cho biết một tài xế của Didi đã thú nhận hành vi phạm tội. Đây là vụ giết người thứ hai gây ra bởi tài xế của công ty trong vòng chưa đầy bốn tháng.
Didi đã nhiều lần xin lỗi và hứa sẽ điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh, ưu tiên cho sự an toàn của hành khách hơn là chỉ tập trung vào phát triển công ty. Tuy nhiên, hàng ngàn người trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc vẫn không ngừng chỉ trích và thề sẽ xóa ứng dụng của Didi. Hôm 27.8, Didi thông báo ngừng vô thời hạn dịch vụ đi chung xe Hitch ở đại lục. Nhưng cuộc khủng hoảng có khả năng sẽ làm tổn thương các mảng kinh doanh khác của hãng này.
“Vụ giết người mới nhất sẽ có tác động tổng thể lên toàn ngành vì một số hành khách có thể tránh xa những dịch vụ gọi xe khác”, Raymond Tsang, chuyên gia phân tích của công ty tư vấn Bain & Company, nhận định.
Hai nữ hành khách Didi bị giết hại đều sử dụng ứng dụng gọi xe Hitch. Đây chỉ là một trong một loạt dịch vụ gọi xe của Didi, hãng khởi nghiệp được định giá khoảng 56 tỉ USD giá trị thị trường hồi tháng 12.2017. Số liệu nghiên cứu gần đây của Bain & Company cho thấy, hiện Didi chiếm khoảng 90% thị trường gọi xe trực tuyến của Trung Quốc.
Nữ diễn viên Chương Tử Di, ngôi sao phim Ngọa hổ tàng long, mới đây đã chỉ trích Didi trong một bài đăng trên tài khoản Weibo có 27 triệu người theo dõi của mình. Diễn viên Vương Hiểu Thần cũng chia sẻ ảnh chụp màn hình đang xóa ứng dụng của Didi với chú thích “Tạm biệt” trên tài khoản Weibo có 9 triệu người theo dõi. Bài đăng này có hơn 40.000 người bình luận, nhiều người trong số đó nói rằng họ sẽ làm theo.
Didi từ chối bình luận về việc liệu số lượng người dùng có giảm sút hay không. Song, có thể sẽ không dễ dàng để người dùng tìm được lựa chọn thay thế khác vì Didi đang dẫn đầu thị trường gọi xe, với khoảng 30 triệu lượt đi/ngày.
Cuộc kêu gọi tẩy chay Didi nhắc lại phong trào #DeleteUber bùng phát hồi năm ngoái, sau khi công ty gọi xe Mỹ đưa ra giá dịch vụ đắt đỏ tại sân bay John F. Kennedy ở New York (Mỹ), trong khi các hãng taxi khác đang phải chật vật vì lệnh cấm du lịch của Tổng thống Donald Trump. Ngoài ra, Uber cũng vướng phải không ít chỉ trích vì các cuộc tấn công hành khách của tài xế.
Sau khi đẩy Uber ra khỏi Trung Quốc hồi năm 2016, Didi đã không ngừng củng cố vị thế công ty hàng đầu trong nước. Tuy nhiên, ngày càng có thêm người chơi mới sẵn sàng tranh đấu trên thị trường gọi xe đầy tiềm năng. Meituan-Dianping gần đây đã cung cấp dịch vụ đi chung xe và thách thức Didi ở các thành phố nhỏ trên khắp Trung Quốc.
Việc kiểm soát lái xe sẽ được siết chặt như thế nào?
Theo ông Tsang, khủng hoảng của Didi có khả năng sẽ thúc đẩy ngành này phải kiểm tra kỹ lưỡng hơn các lái xe “không chỉ về lý lịch hoặc hồ sơ tội phạm, mà còn cả lịch sử gia đình, hồ sơ tâm lý và bất kỳ dấu hiệu nào khác có tiềm năng gây ra vấn đề trong tương lai”.
Trong tuyên bố mới nhất, Didi cho biết “sẽ chuyển hoàn toàn theo hướng xây dựng mạnh hệ thống dịch vụ khách hàng an toàn”. Nhưng Didi cũng nhấn mạnh rằng họ không có khả năng xóa bỏ hoàn toàn các mối đe dọa từ những người muốn dùng nền tảng của công ty để phạm tội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.