Theo Bloomberg, Geely là hãng sở hữu Volvo Car và có cổ phần trong Daimler. Geely dẫn đầu vòng đầu tư huy động 50 triệu EUR, tương đương 55 triệu USD, vào Volocopter để giúp taxi hàng không này ra mắt thương mại trong vòng ba năm tới. Geely và công ty có trụ sở ở Bruchsal (Đức) cũng đồng ý thành lập một liên doanh để đưa ô tô bay đến Trung Quốc trong tương lai.
Volocopter cũng đang đàm phán để gọi thêm vốn vào cuối năm nay. Daimler có cổ phần trong Volocopter từ năm 2017.
Khoảng đầu tư từ Geely đến giữa lúc Trung Quốc nỗ lực loại bỏ xe chạy bằng động cơ đốt trong và ủng hộ các phương tiện chạy bằng năng lượng mới. Quốc gia Đông Á muốn hạ ô nhiễm không khí và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ từ nước ngoài.
Về phần mình, tỉ phú Li đang mở rộng đế chế kinh doanh ra ngoài mảng xe hơi bằng cách đào sâu vào các mảng khác, từ vệ tinh quỹ đạo thấp cho đến chip siêu nhỏ. "Geely đang chuyển mình từ một nhà sản xuất ô tô sang một tập đoàn công nghệ di động", ông Li nói.
Năm 2017, công ty của ông Li tuyên bố thâu tóm hãng Mỹ Terrafugia, doanh nghiệp cũng cố gắng tung xe bay ra thị trường vào năm nay. Geely cũng ký thỏa thuận với Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Trung Quốc hồi tháng 11 để làm tàu siêu tốc sử dụng công nghệ "cây nhà lá vườn".
Các biến thể của ý tưởng xe bay cũng đang được phát triển tại Mỹ và Nhật Bản. Đơn cử, doanh nghiệp được Uber Technologies, Boeing, Airbus và Toyota Motor hậu thuẫn hiện cố gắng đưa xe bay vào thị trường.
Về phía Nhật Bản, chính phủ nước này muốn quốc gia trở thành người đi đầu về công nghệ ô tô bay. Họ có lộ trình quốc gia để phát triển, nghiên cứu quy định về ô tô bay. Tháng trước, mẫu xe bay do hãng Nhật NEC phát triển bay lơ lửng trong không trung được khoảng một phút.
Bình luận (0)