Để tránh trường hợp sử dụng kính thông minh như công cụ quay lén, chụp trộm, Facebook cho biết Ray-Ban Stories được trang bị đèn LED. Mỗi lần người đeo có ý định chụp ảnh, đèn LED sẽ lóe lên như một cách cảnh báo những người xung quanh. Dù vậy, phóng viên Joana Stern của Wall Street Journal cho biết cô đã thử ghi hình 20 người ở nơi công cộng. Những người này không hay biết gì cho đến khi được chính cô thông báo.
Phóng viên Katie Notopoulos của Buzzfeed cũng làm một phép thử với Ray-Ban Stories. Cô che đèn LED trên gọng kính bằng một đoạn băng dính màu đen để đèn không lóe lên mỗi khi chụp hình. Ngay sau đó, Facebook cảnh báo rằng cô đang vi phạm điều khoản dịch vụ. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng trong tương lai, những phụ kiện như kính mắt, đồng hồ, quần áo... sẽ không thuộc sở hữu cá nhân nữa, một khi chúng được tích hợp công nghệ.
|
Alex Himel - phó chủ tịch tại bộ phận thực tế ảo Facebook nói rằng hành vi che đèn LED bị xem là vi phạm điều khoản dịch vụ của kính thông minh. Đèn LED chỉ được thêm vào sau khi Facebook tham khảo ý kiến của các nhóm ủng hộ quyền riêng tư. Ngoài tín hiệu ánh sáng, cố vấn quyền riêng tư Jeremy Greenberg cũng đề xuất Facebook nên thêm vài tín hiệu rõ ràng hơn nữa để người ngoài biết khi nào người đeo kính đang bật tính năng quay phim, chụp hình.
Trước Ray-Ban Stories đã có nhiều loại kính trang bị camera trên thị trường, chẳng hạn Google Glass, Snap Spectacles. Bạn cũng có thể mua nhiều loại kính camera khác trên Amazon với giá phải chăng, chỉ 50 USD (khoảng 1,3 triệu đồng).
|
Bình luận (0)