Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox News vào tối 6.7, khi được hỏi liệu Mỹ có hành động sau khi Ấn Độ cấm TikTok và 58 ứng dụng khác của Trung Quốc hay không, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ cũng đang xem xét việc chống lại các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc vì lo ngại về vấn đề riêng tư và rủi ro tiềm ẩn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
“Chúng tôi rất nghiêm túc về vấn đề này. Chúng tôi chắc chắn đang xem xét nó”, ông Pompeo nói. Câu trả lời của ông Pompeo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên sâu sắc, và việc xem xét kỹ lưỡng TikTok cũng như các công ty công nghệ khác của Trung Quốc đang tiếp diễn mạnh mẽ.
Theo CNBC, Mỹ thời gian qua đã có một chiến dịch dài với những hạn chế nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là Huawei và ZTE. Chính quyền Tổng thống Donald Trump cáo buộc thiết bị Huawei có khả năng được sử dụng để phục vụ cho hoạt động gián điệp của Bắc Kinh, điều mà hãng viễn thông Trung Quốc nhiều lần phủ nhận. Washington gần đây tuyên bố ZTE là mối nguy hiểm đối với an ninh quốc gia Mỹ. Và TikTok, ứng dụng chia sẻ video ngắn thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, cũng có mặt trong tầm ngắm của Mỹ từ năm ngoái, vì lo ngại nền tảng kiểm duyệt nội dung và dữ liệu của TikTok có thể được chính quyền Trung Quốc truy cập, ông Pompeo cho biết trong cuộc phỏng vấn với Fox News.
Jim Fitzsimmons, chuyên gia từ công ty tư vấn rủi ro toàn cầu Control Risks, nhận xét chủ quyền kỹ thuật số đang trở thành vấn đề ngày càng quan trọng trên toàn thế giới, ngay cả ở những quốc gia như Mỹ, nơi thường không có sự điều tiết nặng nề về công nghệ hoặc luồng thông tin. “Điều này có thể gây ngạc nhiên lớn, đặc biệt đối với các công ty công nghệ Mỹ đã quen với môi trường pháp lý nhẹ nhàng. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn thấy xu hướng này trên toàn cầu”, ông Fitzsimmons nói.
Theo South China Morning Post, Úc cũng đang có động thái xem xét việc chống lại TikTok.
Bình luận (0)