Mỹ giúp gì cho công nghệ Trung Quốc thời nghèo nàn, lạc hậu?

Thu Thảo
Thu Thảo
02/01/2019 07:05 GMT+7

Năm 2018, Mỹ và Trung Quốc đối đầu, cạnh tranh về công nghệ - khoa học kỹ thuật song vào những năm 1970, đôi bên từng hòa hảo hậu thuẫn nhau. Mỹ chính là cường quốc giúp công nghệ Trung Quốc "vượt khó" đi lên.

Một trong những thời điểm khó khăn nhất lịch sử Trung Quốc hiện đại là cuộc Cách mạng Văn hóa, theo South China Morning Post. Nó in sâu trong hồi ức nhiều người Trung Quốc, trong đó có ba trí thức đến từ Bắc Kinh, những người sau này du học Mỹ theo chương trình bình thường hóa quan hệ Trung - Mỹ năm 1979. Ba trí thức này là ông Yan Dachun, Liu Baicheng và Ji Fusheng.
Hậu Cách mạng Văn hóa, một người đàn ông đã đứng lên đẩy mạnh cải cách toàn diện cho Trung Quốc, đem lại cơ hội đổi đời cho cả ba. Đó là Đặng Tiểu Bình. Tháng 12.1978, lãnh đạo họ Đặng công bố nhiều kế hoạch táo bạo nhằm mở cửa Trung Quốc với thế giới. Ông tuyên bố “khoa học, công nghệ là lực lượng với năng suất hàng đầu”, đồng ý cho nhân tài nội địa ra nước ngoài học tập nhằm giúp Đại lục bắt kịp thế giới sau thập niên trượt dài. 

Bước ngoặt công nghệ Trung Quốc

Nhóm trí thức Trung Quốc Ảnh chụp màn hình trang SCMP
Năm 1970, Trung Quốc phóng được vệ tinh đầu tiên. Năm 1976, Trung Quốc bắt đầu theo hướng hiện đại hóa thực thụ. Song phải đến sau ngày 1.1.1979, sau khi nhận được sự chấp thuận của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, người khôi phục quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, một nhóm gồm 52 chuyên gia khoa học, công nghệ Đại lục mới được chọn đi Mỹ học. Đây là nhóm trí thức đầu tiên được gửi sang Mỹ học tập từ năm 1949, thời điểm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Chiến lược của ông Đặng thành công khi hầu hết trí thức ngày đó hồi hương sau 2-3 năm đèn sách tại nhiều trường hàng đầu Mỹ. Họ về giúp xây dựng đất nước như lời hứa với chính phủ. Ông Yan là chuyên gia buồng hầm gió (để thử nghiệm đặc tính khí động lực học của máy bay, ô tô - PV), góp phần phát triển máy bay chiến đấu đầu tiên của Trung Quốc. Ông Liu dạy kỹ thuật cơ khí tại Đại học Thanh Hoa, còn ông Ji là kỹ sư làm việc với nhà máy quốc doanh sản xuất thiết bị liên lạc.
Từ ngày hồi hương, họ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển công nghệ cao nước nhà vài thập niên qua. Đơn cử, ông Liu được mời làm cố vấn cho kế hoạch Made in China 2025. Nhiều thập niên qua, câu chuyện của họ thể hiện hoạt động trao đổi giáo dục, đặc biệt là với Mỹ, giúp Đại lục đi từ nước "nghèo" thành nước "giàu" công nghệ ra sao.
Ông Liu Baicheng Ảnh chụp màn hình trang SCMP
Cái bắt tay ngày ấy giờ đây gần như di chuyển theo hướng khác khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng lo về tham vọng công nghệ của Bắc Kinh trong vô số lĩnh vực, từ trí tuệ nhân tạo (AI) cho đến máy tính lượng tử. Mỹ hiện áp đặt giới hạn thị thực cấp cho sinh viên Trung Quốc theo học một số ngành khoa học, kỹ thuật tại Mỹ.
Trong buổi phỏng vấn với South China Morning Post, ông Liu nhớ lại: “Đặng Tiểu Bình đem về mùa xuân cho giới trí thức. Nếu không nhờ cải cách và mở cửa, tôi đã không thể ra nước ngoài”. Tháng 6.1978, ông Đặng phát biểu tại một kỳ họp với giới chức, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gửi nhân tài tu nghiệp ngoại quốc: “Đây là một trong những cải cách quan trọng để thể hiện mức phát triển của nước ta, sẽ đem lại trái ngọt trong 5 năm. Chúng ta cần gửi hàng chục ngàn sinh viên, chứ không chỉ vài sinh viên”.

Hồi ức du học Mỹ

Ông Yan Dachun Ảnh chụp màn hình SCMP
Theo hướng cải cách, Bộ Giáo dục Trung Quốc nhanh chóng lên kế hoạch. Tháng 9.1978, khoảng 10.000 thí sinh cả nước tham gia bài kiểm tra ngoại ngữ cho chương trình du học. 1/3 trong số họ vượt qua bài kiểm tra, rồi 700 đến 800 người lọt vào danh sách ứng viên tiềm năng du học Mỹ. Sau nhiều buổi chọn lọc, khoảng 50 ứng viên hàng đầu được chọn làm nhóm sinh viên đầu tiên xuất ngoại.
Thời điểm sinh viên Hoa kiều qua Mỹ là đúng đắn. Sau nhiều thập niên băng giá, Trung Quốc và Mỹ bắt đầu hòa nhã với nhau hơn bằng “ngoại giao bóng bàn”. Tháng 4.1971, chuyến đi Trung Quốc của một nhóm cầu thủ bóng bàn Mỹ mở đường cho cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon thăm quốc gia Đông Á. Ông Nixon là Tổng thống Mỹ tại nhiệm đầu tiên đến Trung Quốc.
Khoảng một năm sau, hai nước thành lập văn phòng liên lạc tại thủ đô của nhau. Tháng 10.1978, Bắc Kinh phái ông Zhou Peiyuan, khi đó là Chủ tịch Đại học Bắc Kinh, đến Washington để thảo luận về kế hoạch trao đổi sinh viên. Nhóm 50 sinh viên đầu tiên được tuyển chọn từ các trường hàng đầu Bắc Kinh, trong đó có Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Ông Yan Dachun cùng Giáo sư Stanley Corrsin tại Đại học Johns Hopkins Ảnh chụp màn hình SCMP
Tối 26.12.1978, 46 nam sinh và 6 nữ sinh lên đường sang Mỹ. Nhà báo Qian Jiang ghi chép rằng mỗi người đều mang theo vali với hai bộ com-lê và áo khoác mà chính phủ đo may cho họ. Từ Bắc Kinh, họ bay đến Paris rồi New York. Ông Liu kể Wu Baozhen, bác sĩ và là người thạo Anh ngữ nhất đoàn, được chỉ phát biểu ngắn bằng tiếng Anh với truyền thông Mỹ. Ông Wu nói: “Người Trung Quốc vĩ đại, người Mỹ cũng vĩ đại. Chúng tôi đến Mỹ không chỉ để học khoa học, kỹ thuật tiên tiến mà còn để thúc đẩy tình hữu hảo giữa đôi bên”.
Đến Mỹ, sinh viên Trung Quốc sống bằng trợ cấp 400 USD/tháng từ chính phủ, cố gắng tận dụng kiến thức gặt hái được từ giảng đường cường quốc số một thế giới. Họ cũng làm thêm và chăm chỉ học tại phòng thí nghiệm như bao sinh viên khác. Sau năm đó, chính phủ Trung Quốc tài trợ cho nhiều học giả du học Mỹ cùng các cường quốc công nghệ như Đức, Nhật Bản. Đến nay có hơn 600.000 công dân nước này được tài trợ du học, theo Bộ Giáo dục Trung Quốc.

Cùng kiến thức Mỹ hồi hương

Một công nhân Trung Quốc cầm thành phần chip smartphone  Ảnh: AFP
Khi thời gian du học kết thúc, đa phần sinh viên nóng lòng về nhà. Ông Liu về Đại học Thanh Hoa, vào hàng những người tiêu phong trong việc phát triển mô hình và công cụ mô phỏng máy tính. Năm 1999, ông được giới thiệu vào Viện Kỹ thuật Trung Quốc, danh hiệu cao quý nhất trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật nước này.
Năm 2014, chính phủ tuyển ông làm một trong nhiều chuyên gia tư vấn đóng góp cho kế hoạch công nghiệp Made in China 2025, vốn được công bố vào tháng 5.2015. Kế hoạch đặt mục tiêu đưa kinh tế Trung Quốc đến gần hơn với các ngành sản xuất với giá trị gia tăng cao hơn, ít phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.
Ông Ji thì làm việc với tư cách giới chức cấp cao thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc từ năm 1985 đến 1999. Tại đây, ông chịu trách nhiệm phân bổ 10 tỉ nhân dân tệ tài trợ cho chương trình 863 kéo dài 15 năm nhằm nâng cao khả năng công nghệ quốc gia trong nhiều lĩnh vực, từ công nghệ sinh học, công nghệ nông nghiệp cho đến công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất.
Tổng thống Mỹ Donald Trump Ảnh: Reuters
40 năm qua, công nghệ Trung Quốc phát triển nhanh và mạnh. Nước này hiện đứng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực như viễn thông, năng lượng tái tạo và kỹ thuật cơ sở hạ tầng. Cùng lúc, họ cũng cố đuổi kịp ở những lĩnh vực khác như robot và chất bán dẫn. Sản xuất linh kiện điện tử quan trọng đến nay vẫn là điểm yếu và Trung Quốc phải phụ thuộc vào nhà cung ứng ngoại.
Tham vọng công nghệ Trung Quốc ngày nay trở thành điểm nóng giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Washington không hài lòng với Made in China 2025, thiên kiến cho doanh nghiệp nội và nhiều vấn đề khác của Trung Quốc. Trước căng thẳng Mỹ - Trung, ông Liu, trí thức 85 tuổi, chia sẻ, nhắc đến giọng điệu truyền thông Trung Quốc từng dùng: “Đừng lúc nào cũng nói những thứ như ‘nước ta thật tuyệt vời’ hay ‘chúng ta đang dẫn đầu’. Hãy cứ làm thật chăm chỉ’. Chúng ta cần 30 năm để bắt kịp Mỹ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.